Trên thế giới, mô hình bếp mây (còn được gọi là bếp ảo hay bếp ma) đã phát triển trước chúng ta rất nhiều. Một số quốc gia tiêu biểu có thể kể đến là Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ. Mô hình này tối thiểu hoá sự hao tốn vật lý, tạo sự xuất hiện của nhà hàng trên các nền tảng online và tập trung giao hàng cho khách qua ứng dụng giao hàng.
I. Đặc điểm và cách cloud kitchen vận hành
1. Đặc điểm của cloud kitchen
Bếp mây (cloud kitchen) hiểu đơn giản nghĩa là mô hình nhà hàng trên mạng, không cung cấp bất cứ cơ sở vật lý nào từ mặt bằng nhà hàng bao gồm khu vực dùng thức ăn. Nhà bếp này hoạt động phải dựa hoàn toàn vào sự hợp tác với bên thứ ba hay dịch vụ đặt hàng trực tuyến.
2. Cách cloud kitchen vận hành
Đây là một nhà bếp cơ sở cung cấp thực phẩm đến tận nhà của khách hàng. Có một số thương hiệu được trực thuộc bếp mây đó, có thể có các cửa hàng vật lý nhỏ nhưng về cơ bản được hỗ trợ bởi bếp cơ sở hoặc một chuỗi bếp mây.
Có nhiều cách để vận hành một cloud kitchen nhưng nói một cách đơn giản nhất thì bếp mây là nhà hàng có hỗ trợ Internet, chỉ chấp nhận các đơn đặt hàng qua điện thoại hoặc hệ thống đặt hàng trực tuyến.
Khi đơn hàng của khách được đưa đến, máy chủ hoặc nhân viên trực sẽ gửi các đơn hàng ấy đến các chi nhánh của mình và các gian bếp ấy sẽ bắt đầu chuẩn bị thức ăn. Nhìn chung, cloud kitchen như một đầu mối trung gian giữa các bếp và người tiêu dùng
II. Những ưu điểm của cloud kitchen

1. Tiết kiệm không gian
Vì những nhà bếp này được đặt tại các địa điểm không quá xa xỉ nên không đòi hỏi giá thuê cao. Vì không có khu vực phục vụ thức ăn, không gian cần thiết để hoạt động giảm 75-80% so với một nhà hàng cao cấp truyền thống. Nhà bếp mây cũng giúp tiết kiệm chi phí cho ngôi nhà.
Đặc biệt, sẽ không bao giờ gặp tình trạng đông đúc như những nhà hàng thực tế ở ngoài cũng như phải chờ đợi tại quán. Chủ nhà hàng cũng sẽ không phải lo lắng tình trạng hết chỗ ngồi hay nhà hàng quá tải. Họ cũng có cơ hội mở rộng tiềm năng với tốc độ nhanh hơn do yêu cầu về vốn đầu tư thấp.
Ngoài ra, số lượng nhà hàng trong cloud kitchen cũng không bị giới hạn vì về cơ bản, thứ cần thiết duy nhất là một trang web hoặc một ứng dụng đủ tốt.
2. Khoản đầu tư sinh lời cao
Chi phí bạn bỏ ra sẽ không tốn quá nhiều đầu vào thấp, tập khách hàng tăng dần, biên lợi nhuận đảm bảo, quá trình kinh doanh đơn giản, dễ mở rộng quy mô là một công thức hoàn hảo cho một mô hình kinh doanh.
Theo chia sẻ đến từ ông Hiếu – một trong những thành viên của cloud kitchen tại Việt Nam, chi phí đầu tư tại đây vào căn bếp của ông chỉ bằng 1/3 so với mở một mặt bằng hiện hữu và việc hòa vốn có thể chỉ mất hơn 1 năm.
3. Một phương pháp sinh tồn trong Covid-19 của các nhà hàng
Trong thời gian ngắn, việc chuyển hướng kinh doanh sang giao hàng để tồn tại sẽ trở nên quan trọng đối với các nhà hàng truyền thống. Trong môi trường hiện tại và với sự không chắc chắn liên tục của đại dịch COVID-19, nhà bếp mây hoặc các cửa hàng thực phẩm và đồ uống được hỗ trợ bởi mạng Internet được đánh giá là có khả năng sinh tồn cao hơn. Đồng thời, đây có thể là tương lai của ngành công nghiệp thực phẩm nói riêng và startup nói chung.
4. Cloud kitchen kéo theo sự phát triển của các dịch vụ giao hàng
Trước những ưu điểm của mô hình bếp mây, kỳ lân Grab quyết định mở hơn 50 cloud kitchen tại Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Singapore, Philippines và cả Việt Nam. Đối thủ cạnh tranh Gojek cũng rục rịch mở 27 cloud kitchen tại thủ phủ Indonesia, quyết phân chia thị trường tiềm năng này.
Tại Việt Nam, căn bếp mây đầu tiên của Grab cũng tọa lạc ở Thủ Đức cũng trên đà phát triển. Theo đó, dự án cloud kitchen đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10/2019, quy tụ 12 thương hiệu nhà hàng, quán ăn. Mỗi đơn vị sẽ có một gian bếp riêng, được trang bị nội thất cơ bản, kèm máy nhận đơn. Các dụng cụ chế biến sẽ do nhà hàng tự lắp đặt. Grab không thu tiền thuê mặt bằng mà chỉ lấy tiền điện, nước và ăn chia ‘hoa hồng’ trên đơn hàng.
III. Một số mô hình bếp mây thành công trên thế giới

1. Kitchen United
Người sáng lập ra Kitchen United chính là cựu giám đốc điều hành tại Taco Bells và McDonalds. Công ty vừa qua đã gọi thành công thêm 40 triệu đô la tiền vốn từ quỹ đầu tư của Alphabet – đối tác của Google. Với sức mạnh ấy cùng những người sáng lập giàu kinh nghiệm, Kitchen United là một tên tuổi khiến các công ty cloud kitchen khác phải dè chừng.
2. Virtual Kitchen Co
Virtual Kitchen Co vừa qua đã chính thức ra mắt sau khi nhận được 15 triệu đô la tài trợ Series A từ các nhà đầu tư Andreessen Horowitz và công ty đầu tư tập trung vào tự động hóa Base10 Partners. Công ty cloud kitchen này đã vận hành một số nhà bếp chỉ giao hàng ở Mỹ và đang có kế hoạch mở thêm hàng chục nhà hàng nữa ở trong sáu tháng tới.
3. Rebels Food
Theo Bloomberg, Rebel – công ty vào tháng 8/2019 đã huy động được 125 triệu USD vốn mới từ dịch vụ giao hàng Indonesia Go-Jek, Coatue Management và Goldman Sachs – hiện đang vận hành 235 nhà bếp tại 20 thành phố của Ấn Độ.
Rebel nó đang xử lý hai triệu đơn đặt hàng mỗi tháng và tự gọi mình là “cloud kitchen lớn nhất thế giới”.
IV. Cloud kitchen đang phát triển như thế nào ở Việt Nam?
1. Tiềm năng lớn với thị trường tiêu thụ rộng
Theo báo cáo khu vực Đông Nam Á 2019, doanh thu của khu vực trong thị trường đặt và giao đồ ăn trực tuyến lên tới 3.492 triệu USD vào năm 2020. Riêng với Việt Nam, con số này lên tới 302 triệu USD năm nay.
Trong phân khúc giao đồ ăn trực tuyến tại Đông Nam Á, số lượng người dùng khoảng 89,52 triệu trong năm 2020 và dự kiến đạt 137,88 triệu năm 2024, còn với Việt Nam lần lượt là 10,56 triệu và 17,37 triệu.
2. Những lo ngại với mô hình kinh doanh mới
Nhiều lợi ích là thế, tuy vậy vẫn có nhiều người lo ngại việc cloud kitchen sẽ thải ra môi trường quá nhiều rác thải nhựa trong quá trình vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Nếu có thể khắc phục hiện tượng này, cloud kitchen hay bếp mây sẽ trở thành một tia sáng đối với ngành nhà hàng khách sạn trong tương lai.
Đồng thời, kinh doanh bếp mây cũng đồng nghĩa với việc bạn đang cạnh tranh trong một thị trường trực tuyến đông đúc. Tuy vậy, nếu sản phẩm của bạn đủ tốt nó sẽ vươn lên dẫn đầu nhờ các đánh giá tích cực từ khách hàng.
>> Xem thêm: Sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
Bài viết có tham khảo thông tin từ VNExpress, Vietnambiz và Entrepreneur
Nhật Minh
You must log in to post a comment.