Chỉ số RSI được J. Welles Wilder phát triển vào năm 1978 và được sử dụng rất nhiều trong phân tích kỹ thuật của thị trường chứng khoán.
I. Khái niệm về chỉ số RSI.
– Chỉ số RSI (Relative Strength Index), hay còn gọi là chỉ số sức mạnh tương đối, là một chỉ báo động lượng (momentum indicator) sử dụng trong phân tích kỹ thuật của thị trường tài chính.
– Đây là chỉ số được dùng để kiểm tra diễn biến giá của cổ phiếu như thế nào trong một thời kỳ nhất định. Chỉ số này đo lường độ lớn của biến động giá cũng như vận tốc của các biến động. Kết quả biểu thị nằm trong khoảng dao động từ 0 – 100.
II. Cơ sở lý thuyết.
– Wilder đặt ra giả định rằng, ngưỡng quá mua xuất hiện sau khi thị trường tăng điểm trong một thời gian dài. Tương tự, ngưỡng quá bán xuất hiện sau khi thị trường giảm điểm trong một thời gian dài.
– Đối tượng đo lường của chỉ số RSI là giá của chỉ một loại cổ phiếu trong hai thời điểm khác nhau, không phải giá của hai loại cổ phiếu khác nhau.
III. Ứng dụng phân tích giá chứng khoán dựa trên chỉ số RSI.
– Giả sử chúng ta đang quan sát đường biểu thị chỉ số RSI (gọi tắt là đường RSI) của chứng khoán A. Biểu đồ RSI có 3 ngưỡng quan trọng.

+ RSI bằng 50 – ngưỡng trung bình. Khi đường RSI vượt qua ngưỡng này, giá của chứng khoán A có kỳ vọng tăng. Ngược lại, giá chứng khoán A có kỳ vọng giảm khi đường RSI hạ xuống dưới ngưỡng này.
+ Ngưỡng quá mua (overbought), RSI lớn hơn hoặc bằng 70. Giá giao dịch chứng khoán A cao hơn giá trị nội tại. Lúc này, nhà đầu tư nên bán bớt chứng khoán A. Thông thường, đường RSI dần hạ xuống dưới ngưỡng 70 thì giá có dấu hiệu sắp giảm.
+ Ngưỡng quá bán (oversold), RSI nhỏ hơn hoặc bằng 30. Giá giao dịch của chứng khoán A thấp hơn so với giá trị nội tại. Nhà đầu tư nên mua thêm chứng khoán A trong trường hợp này. Khi đường RSI từ dưới thấp hơn sau đó tăng dần và cao hơn ngưỡng 30 thì thường giá có dấu hiệu sắp tăng.
IV. Điều cần lưu ý khi sử dụng chỉ số RSI.
– Một số sai lầm nhà đầu tư hay gặp phải khi mới sử dụng chỉ số này. Đó là hiểu sai về cách giao dịch quá mua – quá bán.
– Vẫn giả sử chúng ta đang quan sát đường biểu thị chỉ số RSI (gọi tắt là đường RSI) của loại chứng khoán A.
Giả sử chỉ số RSI vừa bước vào vùng quá mua. Lúc này giá chứng khoán A bắt đầu tăng cao hơn so với giá trị nội tại của nó. Thấy được tín hiệu này bạn ngay lập tức bán chứng khoán A. Tuy nhiên, nếu sau đó chỉ số RSI tiếp tục tiến sâu hơn vào vùng quá mua, giá chứng khoán A tăng lên liên tục thì bạn sẽ bỏ lỡ mất khoản lợi lớn từ việc tăng giá này. Giải thích tương tự với trường hợp chỉ số RSI vừa bước vào vùng quá bán.
– Thế nên, bạn cần hết sức tỉnh táo khi quan sát chỉ số này. Nên đợi đến lúc RSI vừa ra khỏi vùng quá bán/ quá mua thì mới tiến hành mua/ bán chứng khoán. Hoặc tốt nhất bạn nên phối hợp quan sát chỉ số RSI cùng với một số chỉ số khác để có quyết định đúng đắn hơn. Vì RSI cũng có trường hợp tạo ra những tín hiệu gây nhiễu.
Không có bất cứ chỉ số nào đúng chính xác 100% trong thị trường chứng khoán. Ngoài chỉ số RSI, nhà đầu tư nên sử dụng kết hợp một số chỉ số khác. Từ đó có nhiều cơ sở đa dạng để phân tích thị trường chứng khoán.
Bài viết tham khảo thông tin từ Vietnambiz, CTCP Chứng Khoán TP Hồ Chí Minh.
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.