Sau “cú lừa WeWork”, tỷ phú Masayoshi Son của tập đoàn SoftBank đang phải đối mặt với một thảm hoạ đầu tư tương tự vào chuỗi khách sạn Oyo Hotels & Homes. Mới 9 tháng trước, vị tỷ phú tự tin chống lưng cho nhà sáng lập Oyo – Ritesh Agarwal. Ông tin tưởng Oyo sẽ trở thành chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới.
I. Oyo và tham vọng bành trướng
Ritesh Agarwal cho biết anh có ý tưởng thành lập Oyo khi đi du lịch khắp Ấn Độ. Năm 19 tuổi, anh thành lập website đặt phòng khách sạn. Oyo kết hợp với các khách sạn nhỏ để tư vấn về dịch vụ, thiết kế tiêu chuẩn và nhận 25% lợi nhuận từ doanh thu. Công ty Oyo cực kì thành công ở Ấn Độ.
Năm 2015, khi Oyo mới được 2 năm tuổi, tỷ phú Son quyết định đầu tư vào startup này. Năm 2017, sau khi SoftBank thành lập quỹ Vision Fund, ông Son bỏ 1,5 tỷ đô vào công ty và khuyến khích Agarwal “chơi lớn”. Ông Son mong muốn Oyo sẽ vượt mặt các chuỗi khách sạn lớn trên thế giới, tiêu biểu như Marriott International.

Mặc dù Oyo hoạt động trôi chảy ở thị trường Ấn Độ, mô hình kinh doanh của Oyo lại không phù hợp với thị trường Mỹ và Châu Âu. Tuy vậy, Agarwal vẫn kiên quyết mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, Oyo chật vật duy trì hoạt động bằng cách đảm bảo doanh thu tối thiểu cho các chủ khách sạn.
II. Hậu quả từ cách đầu tư của tỷ phú Masayoshi Son vào Oyo
Chủ trương của CEO SoftBank luôn là đổ số tiền cực lớn vào để startup “bành trướng”. Các startup nắm quá nhiều tiền nên mở rộng ồ ạt để rồi phải trả giá.
Tương tự với Oyo, tỷ phú Son đã đầu tư “thần tốc” vào Oyo. Thậm chí Oyo còn đe doạ cả tài chính cá nhân của chủ tịch Son. Khi mức định giá của Oyo tăng cao, Agarwal đã vay 2 tỷ USD để mua lại cổ phần của chính công ty mình. Trong đó, người đứng ra bảo lãnh khoản vay cho Oyo từ các tổ chức tài chính chính là ông Son.
Theo lời chuyên gia tài chính Justin Tang từ United First Partners, “Agarwal có thể gặp rắc rối lớn nếu kết quả kinh doanh của Oyo tiếp tục lao dốc. Anh ta sẽ phải bán cổ phiếu với mức giá thấp hơn trước rất nhiều”.
III. Bài học kinh nghiệm
Sự thất bại của Oyo sẽ làm mất đi danh tiếng của tỷ phú Son. Năm ngoái, giá trị vốn hoá của Oyo là 10 tỷ USD. Vision Fund luôn tin tưởng vào sự gia tăng thần kì của các startups mà quỹ này đầu tư. Tuy nhiên, cú ngã của Oyo là một ví dụ điển hình của chủ trương “đầu tư thần tốc” và “lợi nhuận trên giấy” của tỷ phú Son.
Tập đoàn SoftBank thông báo quỹ Vision Fund lỗ đầu tư gần 17 tỷ USD. Các chuyên gia cho biết chắc chắn SoftBank sẽ phải định giá lại Oyo với mức thấp hơn nhiều so với trước đây sau đại dịch Covid-19.
Bài viết có tham khảo thông tin từ Bloomberg và Zing News.
Minh N.
You must log in to post a comment.