I. Tín dụng đen là gì?
1. Định nghĩa tín dụng đen.
Tín dụng đen là hình thức cho vay nặng lãi, được thực hiện bởi các cá nhân hoặc tổ chức ngoài vòng kiểm soát của pháp luật. Lãi suất của hình thức tín dụng đen thường không có quy định cụ thể, hầu hết đều lãi suất thường rất cao, vượt quá quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
Bởi cả hai loại hình này đều đáp ứng những nhu cầu tức thời của người tiêu dùng, nên tín dụng đen dễ bị nhầm lẫn với các hình thức cho vay tín chấp khác. Tuy nhiên, hoạt động vay tín chấp thường được thực hiện bởi các công ty, tổ chức tài chính có cấp phép của nhà nước, được bảo hộ bởi pháp luật. Còn với hình thức tín dụng đen thì không được nhà nước bảo hộ.

Phương thức hoạt động phổ biến của tín dụng đen: Để “qua mắt” được các cơ quan chức năng, hoạt động tín dụng đen thường “núp bóng” dưới các hình thức kinh doanh: Công ty tài chính, cầm đồ, công ty đòi nợ thuê; Các tổ chức tài chính hoạt động biến tướng dưới các hình thức khuyến mãi,… với lãi suất cao. Các tổ chức cho vay trực tuyến thông qua mạng xã hội, ứng dụng trên di động với lãi suất rất cao, điển hình như tín dụng P2P Lending…
2. Chủ thể tham gia tín dụng đen
Bên cung cấp vốn: Là những cá nhân có tiền nhàn rỗi nhưng không lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực khác mà cho các tổ chức hoặc cá nhân chuyên cung cấp tín dụng đen vay để lấy lãi suất rất cao. Hoặc chính các cá nhân có tiền nhàn rỗi của mình trực tiếp cho vay, hoặc vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để cho vay tín dụng đen.
Bên trung gian huy động vốn và cho vay: Là những tổ chức, cá nhân huy động vốn từ những cá nhân có tiền nhàn rỗi, sau đó đem cho những cá nhân tổ chức cần vốn vay với lãi suất cao, hoặc các trung gian môi giới hưởng hoa hồng từ việc liên kết giữa bên cung cấp vốn và bên vay vốn.
Bên đi vay tín dụng đen: Các doanh nghiệp, hộ gia đình làm ăn hợp pháp đang cần vốn nhưng lại không có đủ điều kiện để vay từ các ngân hàng. Hoặc bên đi vay còn là các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp như: Kinh doanh hàng quốc cấm, buôn lậu, rửa tiền, cá cược, đánh bạc, chơi lô đề,…
3. Đặc điểm nhận biết của tín dụng đen.
- Là hình thức cho vay, đi vay dân sự, hoặc huy động vốn.
- Lãi suất cho vay thường rất cao vượt quá quy định của pháp luật (có thể từ vài trăm phần trăm đến hàng ngàn phần trăm trên một năm).
- Tín dụng đen được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người, tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính.
- Việc thu hồi nợ, thu hồi lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, đe dọa chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Xem thêm bài viết 4 điểm cần biết về vay tín dụng đen.
II. Tín dụng đen tại thị trường Việt Nam.
1. Thực trạng tại thị trường Việt Nam
Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp cũng gia tăng theo, trong khi tín dụng hợp pháp lại chưa thể đáp được, do đó mà hoạt động tín dụng đen vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp.
Các khoản cho vay có lãi suất quá 20%/năm đều được coi là vi phạm pháp luật, nhưng lãi suất tín dụng đen hiện nay lên tới 300-700%, thậm chí là cả ngàn phần trăm.
Theo số liệu năm 2013 của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, tổng tín dụng thực do hệ thống ngân hàng cung cấp thì các khoản vay tín dụng đen chiếm khoảng 30%, tức là khoảng 50 tỷ USD. Năm 2018, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thuộc Ngân hàng BIDV ghi nhận: Xét trên tổng tín dụng của nền kinh tế, quy mô tín dụng không chính thức tại Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 15-20%; trong đó, quy mô tín dụng đen chiếm 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương chiếm 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, khoảng 450-550 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá thực trạng hoạt động tín dụng tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới có nhận định, nguồn vốn ngân hàng chưa tiếp cận được 70% người dân, số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức mới chiếm 1/3, đây là khoảng trống để tín dụng đen tồn tại và phát triển. Đến nay, tín dụng đen đã bùng phát và hoạt động ngầm hoặc công khai trên cả nước.
2. Nguyên nhân
- Thứ nhất, kinh tế trong nước còn có khó khăn, nhiều cá nhân, tổ chức gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn nhưng lại không tiếp cận được với hệ thống vay vốn hợp pháp nên tìm đến tín dụng đen.
- Thứ hai, những quy định của pháp luật chưa đủ chặt và chưa đủ sức răn đe nên tình trạng lừa đảo từ tín dụng đen.
- Thứ ba, các biện pháp kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, với mục đích đẩy lùi tín dụng đen chưa thực sự phát huy hiệu quả.
- Thứ tư, biện pháp chế tài các đối tượng cho vay tín dụng đen chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với tính chất phạm tội.
3. Hệ quả
Cá nhân:
- Khi các cá nhân, tổ chức vay tín dụng đen phải còng lưng trả nợ với mức lãi suất rất cao, có rất nhiều trường hợp không mất khả chi trả, nợ chồng nợ, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản.
- Nếu bên đi vay trả nợ không đúng hạn thì có thể phải đối mặt với những hành vi đe dọa, chiếm đoạt tài sản, “khủng bố” về mặt tinh thần, sức khỏe hoặc đe dọa cả tính mạng của bản thân, gia đình.
Xã hội:
- Tín dụng đen làm cho xã hội hết sức bất ổn, từ đó, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội như: trộm cắp, cướp giật, ma túy…
- Gây mất cân đối, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng Việt Nam, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các tổ chức tín dụng hợp pháp.
- Gây khó khăn cho các cơ quan khi xử lý các cá nhân tổ chức cho vay tín dụng đen hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, khi cho vay không thể hiện lãi suất công khai trên giấy tờ.
4. Giải pháp
Thứ nhất, phát triển tín dụng hợp pháp. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng hợp pháp triển khai mạnh mẽ các chính sách tín dụng phục vụ sản xuất và đời sống.
NHNN chỉ đạo các ngân hàng tập trung nguồn vốn, đáp ứng các nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp; cùng với đó là đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn; ưu đãi lãi suất…
Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng để đảm bảo các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả.
Thứ ba, tăng cường công tác phổ biến tri thức về tín dụng đen, phổ biến pháp luật đến người dân.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để hạn chế tín dụng đen, tăng mức xử phạt các đối tượng tham gia huy động vốn và cho vay tín dụng đen, để răn đe và xử lý thích đáng.
Bài viết tham khảo thông tin từ Zing News, Tạp Chí Tài Chính, Dân Trí, Vietnamnet.
Tử Đằng
You must log in to post a comment.