Trong chứng khoán, các lệnh LO, lệnh MP, lệnh GTC là những lệnh mà nhà đầu tư cần hiểu rõ. Bởi chúng rất quan trọng khi các nhà đầu tư thực hiện giao dịch trên thị trường chứng khoán. Cùng tìm hiểu ba loại lệnh giao dịch này và ưu điểm, hạn chế của từng lệnh.
I. Lệnh giới hạn (LO)
1. Khái niệm
Limited order hay lệnh giới hạn LO, là một loại lệnh giao dịch trong hoạt động giao dịch chứng khoán. Nó được định nghĩa là lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá chỉ định hoặc tốt hơn.
Đối với lệnh giới hạn mua chứng khoán, nhà đầu tư chấp nhận thực hiện mua một chứng khoán ở mức giá thấp hơn mức giá chỉ định. Ngược lại lệnh giới hạn bán một chứng khoán, nhà đầu tư bán ở mức giá cao hơn hoặc bằng với mức giá giới hạn.
2. Ưu điểm và hạn chế của lệnh giới hạn LO
– Ưu điểm: Khi sử dụng lệnh giới hạn, các nhà đầu tư có thể tránh bất lợi về giá trong giao dịch. Bởi khi đặt lệnh giới hạn bán chứng khoán, nhà đầu tư có thể bán với một mức giá cao hơn hoặc bằng mức giá đã giới hạn.

– Hạn chế: Nhà đầu tư dùng lệnh LO có hạn chế là không có sự đảm bảo lệnh sẽ được thực hiện. Nhà đầu tư có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư ngay khi đã đặt lệnh giới hạn, nhưng lệnh sẽ không thực hiện được vì không đáp ứng được các nguyên tắc ưu tiên khớp lệnh của phiên giao dịch đó.
II. Lệnh thị trường (MP)
1. Khái niệm
Lệnh thị trường hay còn gọi là lệnh giao dịch MP (MP được viết tắt từ Market price order). Là lệnh mua hoặc bán một chứng khoán tại mức giá hiện có của thị trường. Trong lệnh này, nhà đầu tư không đưa ra một mức giá cụ thể, nhưng hàm ý là muốn mua hoặc muốn bán ngay một chứng khoán.

Đối với người mua chứng khoán, khi đặt lệnh thị trường sẽ là lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hiện có trên sàn giao dịch. Ngược lại, người bán chứng khoán đặt lệnh nghĩa là lệnh bán chứng khoán ở mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường.
Lệnh thị trường được ưu tiên hàng đầu trong các thứ tự ưu tiên khi khớp lệnh.
2. Ưu điểm và hạn chế của lệnh thị trường MP
a. Ưu điểm
– Đối với sàn giao dịch chứng khoán, lệnh thị trường là một công cụ hiệu quả trong việc tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán.
– Đối với các nhà đầu tư, lệnh thị trường tạo lợi thế có thể thực hiện giao dịch một cách dễ dàng và nhanh chóng.
– Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí khi dùng lệnh thị trường MP.
b. Hạn chế
– Về phía sàn giao dịch chứng khoán, sử dụng lệnh thị trường có thể dễ dẫn đến sự biến động giá bất thường. Bởi lệnh thị trường rất khó dự tính được mức giá mà lệnh giao dịch được thực hiện.
– Khi giá trên thị trường biến động, nhà đầu tư sử dụng lệnh thị trường có thể bị bất lợi về giá.
=> Trên thực tế, lệnh thị trường thường được các tổ chức đầu tư lớn áp dụng nhiều hơn các nhà đầu tư riêng lẻ.
III. Lệnh GTC trong giao dịch chứng khoán
1. Khái niệm
Lệnh GTC được viết tắt từ thuật ngữ Good ‘Til Canceled. Là một loại lệnh thay thế cho lệnh có giá trị trong ngày (day order). Lệnh GTC có hiệu lực cho đến khi nhà đầu tư quyết định hủy lệnh, hay lệnh đã được thực hiện xong.
Thông qua lệnh GTC, nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán cổ phiếu ở các mức giá cụ thể và giữ chúng trong vài tuần.
Ngoài ra, để hạn chế thua lỗ, các nhà đầu tư có thể đặt lệnh GTC làm lệnh dừng. Nghĩa là đặt lệnh bán ở mức giá thấp hơn giá thị trường, lệnh mua cao hơn giá thị trường.
2. Những rủi ro của lệnh GTC
Các nhà đầu tư thường đặt lệnh GTC vì họ muốn mua ở mức giá thấp hơn mức giao dịch hiện tại, hoặc bán ở mức giá cao hơn mức giao dịch hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, lệnh GTC vẫn có những rủi ro nhất định cho các nhà đầu tư. Cụ thể:

Rủi ro của lệnh GTC xảy ra khi một biến động lớn đẩy giá vượt quá giá giới hạn của lệnh GTC. Biến động này có thể kích hoạt lệnh dừng bán khi giá cổ phiếu trượt dốc. Và nếu giá tăng trở lại tức thì, các nhà đầu tư đã bán với giá thấp phải đối mặt với việc mua lại cổ phiếu giá cao nếu nhà đầu tư muốn lấy lại vị thế.
Bài viết sử dụng thông tin từ Cafef, vietnambiz
Kiều Anh
You must log in to post a comment.