1. Đặt vấn đề
Khởi nghiệp ở Việt Nam: Startup – Doanh nghiệp khởi nghiệp là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây, từ cơ quan truyền thông đến các nhà hoạt định chính sách. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, các cuộc tọa đàm, hội thảo được tổ chức với tần suất ngày một tăng. Nhiều chính sách, luật và chương trình khuyến khích khởi nghiệp đã và đang được nhà nước xây dựng, ban hành. Tuy nhiên, các startup sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp truyền thống thành công trên thị trường các đối thủ tiềm năng.
Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới như hiện nay thì khởi nghiệp đang là vấn đề được quan tâm nhất tại Việt Nam. Khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao và đa dạng của xã hội.
Giai đoạn 2017 – 2020 được xem là thời điểm chín muồi cho khởi nghiệp và sự ra đời của rất nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau.
2. Thực trạng khởi nghiệp ở Việt nam hiện nay
2.1 Điều kiện thuận lợi
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 760 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; khoảng trên 7 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97%. Mục tiêu đến hết năm 2020, Việt Nam sẽ đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp. Tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” đang là động lực để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Trước làn sóng khởi nghiệp, sáng tạo mạnh mẽ như hiện nay, Chính phủ Việt nam đang nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống Pháp luật và ban hành các văn bản liên quan nhằm hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp. Tiêu biểu như: Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” (Quyết định số 844/QĐ-TTg). Ngày 7/2/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng thuộc và quy định tạm thời xử lý hồ sơ tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến 2025”(Quyết định 3362/QĐ-BKHCN)…
Song song với việc kiện toàn hệ thống chính sách, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng được triển khai mạnh mẽ. Nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn dần hình thành, hoạt động hiệu quả như: Starthub.vn, Twenty.vn, Startup. vn. Cùng với đó, một số đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp cũng được hình thành trong khu vực tư nhân như: Topica Founder Institute, 5 Desire, Hatch!Program và khu vực công lập như vườn ươm đã được thành lập trong các trường Đại học,…

2.2 Khởi nghiệp ở Việt Nam
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2016 – 2019, mỗi năm Việt Nam có trên 126.000 DN thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011- 2015.
Thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore) Việt Nam hiện có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; gần 50 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước; và khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu.
Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ khoảng 3% được gọi là thành công. Điều này cho thấy, khoảng cách giữa khát vọng, ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động.
2.3 Một số hạn chế trong khởi nghiệp dẫn đến thất bại
– Hạn chế về vốn và cơ chế chính sách liên quan đến huy động vốn là một trong những nguyên nhân quan trọng. Các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu từ những nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hay kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư là rất thấp.
– Hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển. Các dự án khởi nghiệp thường không có đủ điều kiện để trang trải các chi phí cho máy móc, thiết bị và phát triển ý tưởng, sản phẩm; Cũng như hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển.
– Các dự án khởi nghiệp với nhân sự chủ chốt đều chủ yếu là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, thiếu kiến thức về kinh doanh, kinh tế và các kỹ năng điều hành, quản lý DN, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
– Hạn chế về khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính liên quan tới việc gia nhập thị trường (đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép kinh doanh…), bảo hộ sở hữu trí tuệ (đăng ký bảo hộ các sản phẩm sở hữu trí tuệ),…
– Chưa nhận thức rõ các vấn đề pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân đang khiến DN khởi nghiệp thất bại.
Bài viết sử dụng thông tin từ Tapchitaichinh.vn và Doimoisangtao.vn
Xuân Hòa
You must log in to post a comment.