Khi đầu tư vào cố phiếu sẽ có những nguồn thu nhập nào? Đây cũng là câu hỏi chung cho đa phần những nhà đầu tư. Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng biết này vô cùng cơ bản nhưng góp phần giúp nhà đầu tư xác định được mục tiêu từ việc mua cổ phiếu.
I. Nguồn thu nhập từ đầu tư vào cổ phiếu
Lợi tức đầu tư vào cổ phiếu hình thành từ hai nguồn:
1. Nguồn thu nhập thứ nhất, cổ tức tiền mặt
Lãi kinh doanh hàng năm của công ty được trích ra một phần chia cho cổ đông. Nguồn thu này được gọi là cổ tức. Cổ tức không cố định mà có thể tăng, giữ nguyên hay giảm từ năm này sang năm khác, phụ thuộc vào tình hình sản xuất – kinh doanh của từng doanh nghiệp. Có năm mức cổ tức cao gấp hai, ba lần mức trung bình do những nguồn thu đột xuất của công ty mang lại. Tuy nhiên, có năm lại rất thấp hoặc không có cổ tức.
2. Nguồn thu nhập thứ hai, lãi vốn hay tăng giá cổ phiếu
Sau khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư chờ cơ hội, quan sát diễn biến thị trường. Lúc giá lên cao, nhà đầu tư có quyền bán vào bất kỳ thời điểm nào. Có khi phần lãi tăng rất đột biến. Đối với đa phần nhà đầu tư đây chính là nguồn họ kì vọng nhất chứ không phải là cổ tức. Đối với các nhà đầu tư lớn dưới dạng các định chế như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí… cổ tức đóng vai trò nhất định vì nó đảm bảo nguồn thu hiện thực cho họ.
Trái lại, với các nhà đầu tư nhỏ và đầu cơ chứng khoán, họ đặt nhiều hy vọng vào lãi vốn hơn là trông chờ vào cổ tức. Mức độ cao, thấp mà công ty cổ phần chi trả hàng năm có thể so sánh được với lãi suất tiền gửi.
II. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng giá cổ phiếu
Thứ nhất, doanh nghiệp có tăng trưởng mạnh thường sẽ có giá cổ phiếu tỉ lệ thuận. Ví dụ, cổ phiếu A năm 2019 có lợi nhuận là 100 tỉ đồng, nếu nhà đầu tư trả giá gấp 10 lần lợi nhuận (P/E=10 lần) thì tổng giá thị trường của cổ phiếu là 1.000 tỉ đồng. Năm 2020 lợi nhuận tăng lên 140 tỉ đồng, nếu P/E = 10 lần, khi đó tổng giá thị trường của cổ phiếu sẽ là 1.400 tỉ đồng, tương ứng tăng 40%. Ngược lại những doanh nghiệp không tăng trưởng hoặc giảm lợi nhuận thì giá cổ phiếu thường sẽ theo đó mà tăng thấp thậm chí giảm giá.
Thứ hai, doanh nghiệp có định giá càng rẻ thì cơ hội tăng giá càng mạnh, ví dụ cổ phiếu A có lợi nhuận là 100 tỉ, nếu P/E hiện tại = 5 lần thì giá thị trường toàn bộ cổ phiếu là 500 tỉ đồng. Nếu như cổ phiếu A rất tốt và được định giá lại với P/E = 10 lần thì giá thị trường toàn bộ cổ phiếu sẽ tăng 100% từ 500 tỉ đồng lên 1,000 tỉ đồng. Ngược lại, với những doanh nghiệp định giá đắt thì giá cổ phiếu không tăng hoặc có thể giảm mạnh trong tương lai.
Thứ ba, giá cổ phiếu tăng hay giảm ngoài phụ thuộc vào kết quả kinh doanh và định giá của doanh nghiệp thì còn phụ thuộc vào xu hướng thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, giá cổ phiếu thường giảm mạnh và sẽ bị định giá thấp. Trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng mạnh, giá cổ phiếu thường tăng mạnh và sẽ được định giá rất cao.
III. Các tiêu chí để lựa chọn các cổ phiếu của các doanh nghiệp để có được nguồn thu nhập cao
- Doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt
- Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh và bền vững có thể duy trì lâu dài bên cạnh đó là quản trị công ty được đánh giá tốt
- Cổ phiếu của doanh nghiệp đang bị định giá thấp (có thể tham khảo yếu tố này từ các bài phân tích của các công ty chứng khoán)
- Doanh nghiệp có chi trả cổ tức bằng tiền mặt tương đối cao so với thị giá.
>>> Xem thêm: Thu nhập thụ động trong đầu tư là gì
Bài viết tham khảo từ Vietnambiz.vn và Tinnhanhchungkhoan.vn
Hoài Hương