Kinh tế Mỹ đang suy thoái trong khi thị trường chứng khoán “vẫn đang ổn”. Điều gì đang xảy ra? Nguyên nhân xuất phát từ đâu?
1. Kinh tế Mỹ với nguy cơ rơi vào khủng hoảng
Nước Mỹ những ngày qua bị bao trùm bởi bầu không khí u ám của sự chết chóc, nỗi tuyệt vọng trước trận đại dịch Covid-19. Theo Đài CNBC, có đến 10 triệu người Mỹ đăng ký hỗ trợ thất nghiệp chỉ trong vòng 2 tuần. Hàng loạt các doanh nghiệp đóng cửa vĩnh viễn. Nhiều dự báo cho rằng, trong quý II/2020, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ co cụm ở mức tương đương với thời kỳ Đại Khủng hoảng những năm 1930.
2. Thị trường chứng khoán (TTCK) “vẫn đang ổn”
Khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/4, S&P 500 đã tăng 25% so với mức đáy được lập vào hôm 23/3. Từ đầu năm đến nay, chỉ số này chỉ giảm tổng cộng 14%. Tính chung cả tuần đến ngày 9/4, chỉ số này tăng 12,1%, mức tăng trong một tuần cao nhất kể từ thời điểm năm 1974.

3. Tại sao lại có sự đối lập đó?
Đâu là nguyên nhân của sự đối lập quá lớn giữa: một bên là nền kinh tế đang có nguy cơ suy thoái, còn bên kia là TTCK “vẫn đang ổn”.
Đầu tiên là sự tồn tại song song của 2 lực đẩy ngược chiều nhau.
Hoạt động thương mại bị đứt gãy, xáo trộn lớn – điều ít ai ngờ cách đây vài tuần. Nhưng mặt khác, các nhà đầu tư chứng khoán đặt cược rằng, những can thiệp từ Chính phủ Mỹ sẽ đủ mạnh để các công ty lớn nhất của Mỹ vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong thế đối lập giữa bức tranh kinh tế vĩ mô đang bất ổn và những gói cứu trợ của Chính phủ thì vế thứ hai đang thắng thế, ít nhất là TTCK cho thấy điều này.
Bên cạnh đó có một nghịch cảnh, lượng người thất nghiệp khổng lồ lại được thị trường nhìn nhận là một yếu tố thúc đẩy tích cực. Đó là nhận định của Gene Goldman, CIO của quỹ Cetera Investment Management. Theo ông thì điều này gây thêm áp lực buộc Quốc hội Mỹ mở rộng quy mô chương trình giải cứu kinh tế.
Fed mới đây đã có những động thái để tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp. Những ông lớn nằm trong các chỉ số chứng khoán chính trên phố Wall là đối tượng dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn cứu trợ này nhất. Đây là những doanh nghiệp thích nghi tốt, có khả năng vượt qua cơn bão kinh tế này.
Sau đó phải kể đến những yếu tố kỹ thuật.
Trong đợt hồi phục lần này, một trong số những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất chính là những công ty bị ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19. Có thể kể đến các công ty kinh doanh du thuyền, chuỗi khách sạn và các hãng hàng không. Đây là kết quả của tình trạng bán non (short squeeze).
Đồng thời, việc Nga và Saudi Arabia thống nhất giảm sản lượng khai thác đã giúp giá dầu hồi phục.
Cuối cùng, dòng tiền từ người gửi tiền tiết kiệm nhỏ lẻ và Fed ồ ạt chảy vào các khoản đầu tư an toàn khiến lãi suất dài hạn giảm sâu. Điều đó dẫn đến một tâm lý trong giới đầu tư: dù triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai còn là dấu hỏi lớn, thì đầu tư cổ phiếu vẫn là lựa chọn hấp dẫn hơn.

4. Nghịch lý trên liệu có kéo dài lâu?
Neil Irwin, phóng viên kinh tế kỳ cựu của tờ New York Times, cảnh báo rằng nghịch lý này sẽ không kéo dài lâu. Tình hình hiện tại cho thấy các nhà đầu tư đang trông chờ vào một cú hồi phục sớm, trong vòng 3-6 tháng. Thế nhưng, tình hình dịch Covid-19 rất khó lường, hoàn toàn có thể khiến nền kinh tế Mỹ duy trì trạng thái tồi tệ này trong 3 đến 4 quý. Nếu thật sự như vậy thì kỳ vọng của giới đầu tư hoàn toàn sụp đổ. Đây là nhận định của Jim Paulsen – chiến lược gia trưởng tại Leuthold Group.
Trong cuộc khủng hoảng này, mọi chuyện đều diễn ra nhanh đến mức khó tin. Chỉ trong vài tuần, nền kinh tế Mỹ đi từ chỗ tràn đầy sức sống đến bờ vực suy thoái. Thị trường tài chính có vẻ như đang đang đặt niềm tin quá lớn vào vài nghìn tỷ USD từ Bộ Tài chính Mỹ và Fed.
Bài viết tham khảo thông tin từ Nhịp sống kinh tế, VnExpress.
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.