Nhờ xu hướng làm việc tại nhà (Work From Home) để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Corona, video calls đã trở thành một công cụ tất yếu. Trong đó, ứng dụng Zoom đã vượt mặt các đối thủ và nhanh chóng trở thành ứng dụng phổ biến nhất trên thị trường họp trực tuyến. Tuy nhiên, Zoom có thật sự là lựa chọn tốt nhất?
I. Tăng trưởng bùng nổ
Tháng 4/2019, Zoom chính thức được niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và kể từ đó đến nay cổ phần của công ty đã tăng 77%. Đặc biệt trong năm 2020, sau khi dịch bệnh bùng phát, ứng dụng đã đạt trung bình 2,2 triệu người dùng/tháng, tăng từ 1,99 triệu/tháng so với năm 2019. CNBC cũng cho biết, từ đầu năm 2020, khi mà phố Wall chìm trong sắc đỏ thì giá cổ phiếu của Zoom đã tăng 40% – tháng tốt nhất kể từ khi IPO.

II. Khủng hoảng bảo mật
Ngay trong lúc Zoom đang lên như diều gặp gió thì đáng tiếc có không ít lỗi bảo mật và an toàn hệ thống không ngừng xảy ra. Những lỗi này gây tổn hại không ít tới thông tin và quyền riêng tư của người sử dụng. Cụ thể:
– The Intercept đưa ra báo cáo rằng Zoom video calls không được mã hoá dữ liệu đầu cuối, mặc cho công ty tự quảng cáo là có mã hoá.
– Một báo cáo khác từ Motherboard cho biết đã phát hiện Zoom đã làm rò rĩ địa chỉ email của ít nhất là vài ngàn người. Những địa chỉ cá nhân này được lưu giữ như thể chúng thuộc về cùng một công ty/tổ chức.
– Zoom cũng im lặng tự chuyển dữ liệu về thói quen của người dùng Zoom về cho Facebook. Những dữ liệu này được dùng cho mục đích quảng cáo. Thậm chí có những người dùng còn không có tài khoản Facebook.
– Apple bị buộc phải vào cuộc để bảo vệ hàng triệu máy Macs sau khi nhà nghiên cứu về quyền riêng tư phát hiện ra rằng Zoom không thông báo đến người sử dụng rằng Zoom đã lặng lẽ cài đặt một server bí mật mà không được sự đồng ý của người sử dụng và server này không được xoá đi khi người sử dụng xoá đi ứng dụng Zoom.
– Và còn có các trường hợp tấn công video, được gọi là “đánh bom phòng họp – Zoombombing”. Khi mà các vị “khách không mời” lợi dụng sự thiết lập lỏng lẻo của các cuộc họp riêng tư. Các hackers này giành quyền kiểm soát tính năng chia sẻ màn hình và chia sẻ những hình ảnh không phù hợp cũng như các lời đe doạ và phân biệt chủng tộc.
III. Cách phòng tránh và bảo vệ quyền riêng tư khi sử dụng Zoom

Trên đây chỉ là một vài cảnh báo nguy cơ bảo mật khi sử dụng Zoom. Nếu bạn vẫn lựa chọn tiếp tục sử dụng Zoom thì có thể áp dụng 4 cách sau đây:
- Cập nhật các bản ứng dụng mới nhất
- Sử dụng mật khẩu cho các cuộc họp trực tuyến trên Zoom
- Dùng tính năng “Waiting Room” để kiểm soát số người tham gia
- Quản lí chia sẻ màn hình thông qua tính năng “Only host”
Tóm lại, Zoom không hoàn toàn có hại. Lý do mà Zoom được ưa chuộng trên toàn thế giới là vì nó dễ sử dụng và tiện lợi. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, Zoom phải có trách nhiệm đối với người dùng. Mỗi người dùng đều xứng đáng được tôn trọng sự riêng tư của mình.
Tổng hợp từ TechCrunch, báo LaoDong.VN và Soha.vn
Minh N.
You must log in to post a comment.