Thị trường chứng khoán luôn hiện hữu một loạt các rủi ro, nhưng những rủi ro này không phải không ngăn chặn được. Nếu chúng ta có các biện pháp kiểm soát rủi ro kịp thời và hợp lý, thì có thể tránh được những rủi ro có thể xảy ra.
1. Kiểm soát rủi ro là gì?
Kiểm soát rủi ro (Risk control) là việc sử dụng các biện pháp (kĩ thuật, công cụ, chiến lược, chính sách,…) để né tránh, ngăn ngừa, giảm thiểu những tổn thất có thể đến với tổ chức khi rủi ro xảy ra.
2. Ba loại rủi ro trong thị trường chứng khoán
Nhìn chung, rủi ro trong thị trường chứng khoán được chia làm 3 loại:
– Loại 1 là rủi ro biến động giá thị trường: cho dù đó là một thị trường chứng khoán đã ổn định hay thị trường mới nổi thì giá cổ phiếu cũng thường xuyên biến động. Biến động giá là đặc điểm cơ bản của thị trường chứng khoán.
– Loại 2 là rủi ro điều hành của công ty niêm yết: giá cổ phiếu và kết quả điều hành của công ty niêm yết có quan hệ mật thiết với nhau. Tình hình hoạt động của công ty niêm yết là hoàn toàn không chắc chắn. Theo thống kê mỗi năm đều có nhiều công ty niêm yết bị thua lỗ do trình độ yếu kém của nhà quản lý. Kèm theo đó là giá cổ phiếu cũng bị tuột dốc.
– Cuối cùng loại 3 là rủi ro chính sách: bất kỳ ban ngành liên quan nào của một quốc gia đều có những điều chỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến chính sách, quy định của thị trường chứng khoán. Những chính sách ấy tác động đáng kể vào các hoạt động của thị trường chứng khoán, đôi lúc còn gây ra những biến động lớn.
Đôi khi các phòng ban liên quan sẽ ban hành một chính sách kinh tế, mặc dù không trực tiếp nhắm vào thị trường chứng khoán nhưng vẫn sẽ có các tác động rất lớn. Các chính sách này bao gồm tỷ giá hối đoái, ngành nghề và chính sách phát triển khu vực.

3. Tầm quan trọng của kiểm soát rủi ro
– Tăng độ an toàn trong kinh doanh
Kiểm soát rủi ro trong kinh doanh là việc làm tất yếu giúp doanh nghiệp hạn chế được những tổn thất có thể xảy ra đối với con người và tài sản của doanh nghiệp. Từ đó giảm thiểu được chi phí hoạt động trong kinh doanh
– Tăng uy tín của doanh nghiệp
Khi thực hiện kiểm soát rủi ro tốt doanh nghiệp có được môi trường kinh doanh thuận lợi, hiệu quả kinh doanh được nâng cao, qua đó tăng uy thế của doanh nghiệp trên thương trường
– Tìm kiếm được nhiều cơ hội kinh doanh
Trong quá trình kiểm soát rủi ro, doanh nghiệp có thể tiếp cận các tình huống xấu để kịp thời đảo ngược tình thế, biến nguy cơ rủi ro thành cơ hội kinh doanh.
Sự thiếu thận trọng luôn đi kèm với sai lầm, ngược lại, thận trọng luôn luôn đi cùng với chính xác. Vì vậy, để có được năng suất cao hãy kiểm soát sự rủi ro để giảm tổn thất.
Bài viết sử dụng thông tin từ Vietnambiz và Sách đầu tư chiến lược của W.Buffett
Xuân Hòa
You must log in to post a comment.