Thị trường cơ sở và thị trường phái sinh là hai thị trường chứng khoán nổi bật tại Việt Nam. Việc hiểu có cái nhìn đúng về sự khác biệt giữa giao dịch trong ngày (giao dịch T+0) tại hai thị trường này, sẽ giúp nhà đầu tư có sự lựa chọn đúng đắn hơn.
I. Hàng hoá giao dịch
– Trên thị trường cơ sở, hàng hoá là các loại cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư. Trong khi trên thị trường phái sinh là các sản phẩm hợp đồng tương lai, quyền chọn hay hợp đồng kỳ hạn. Các sản phẩm này được thiết kế dựa trên các hàng hoá thị trường cơ sở.
II. Hoạt động giao dịch
– Giao dịch trên thị trường phái sinh là giao dịch các loại hợp đồng. Đây là một dạng giao kết. Người mua và người bán thực hiện nghĩa vụ với nhau trong tương lai theo các điều khoản đã được xác định tại thời điểm ký kết. Thế nên, người bán không nhất thiết phải có các sản phẩm cơ sở ngay khi thực hiện giao dịch. Đồng thời, người mua cũng không phải nộp đủ tiền để thanh toán cho giao dịch của mình ngay. Hai bên chỉ phải thực hiện ký quỹ tài sản để đảm bảo cho việc thực hiện cam kết trong tương lai. Điều này hoàn toàn khác với thị trường cơ sở.
III. Thời gian thanh toán (thời gian thực hiện hợp đồng)
– Thông thường, trên thị trường cơ sở, thanh toán giao dịch sẽ được thực hiện trong thời gian từ T+1 đến T+3 (tuỳ theo quy định mỗi nước). Đối với thị trường phái sinh, thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài từ 1 tháng, 3, 6 hoặc 9 tháng.

IV. Cơ chế giao dịch, bù trừ và thanh toán
1. Thị trường cơ sở
– Như đã nói ở trên, thời gian thanh toán giao dịch trên thị trường cơ sở diễn ra rất ngắn. Chính vì vậy, điều kiện giao dịch giữa các bên rất chặt chẽ. Bên bán phải đảm bảo có đủ chứng khoán. Bên mua phải đảm bảo đủ tiền để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán vào ngày thanh toán.
– Nếu giao dịchT+0 được chấp nhận, người bán phải đảm bảo có đủ chứng khoán khi thực hiện bán. Yêu cầu này được thể hiện trong hai quy định:
+ Chỉ được bán khi đã thực hiện xong giao dịch mua trước đó.
+ Phải có đủ nguồn chứng khoán đảm bảo khác, như: đang có chứng khoán chờ nhận về từ giao dịch mua ngày hôm trước; có chứng khoán vay được từ bên thứ ba.
2. Thị trường phái sinh
– Đối với thị trường phái sinh, cơ sở đảm bảo là tài sản ký quỹ. Mức ký quỹ cho thị trường phái sinh được xác định dựa trên nhiều yếu tố. Đó là đo lường độ biến động về giá của sản phẩm cơ sở, sản phẩm phái sinh, tính thanh khoản và quy mô giao dịch của thị trường,… Tài sản ký quỹ sẽ là nguồn lực chủ yếu bù đắp/ thay thế cho phần thiếu hụt thanh toán của nhà đầu tư.
– Các giao dịch sản phẩm phái sinh có trạng thái đối nghịch nhau sẽ được đối trừ trong ngày. Điều này giúp xác định nghĩa vụ ký quỹ yêu cầu phải nộp và nghĩa vụ thanh toán lãi lỗ vào ngày tiếp theo (T+1). Trường hợp nhà đầu tư nắm giữ vị thế hợp đồng đến khi đáo hạn, việc thanh toán thực hiện hợp đồng sẽ được tiến hành vào ngày tiếp theo sau ngày giao dịch cuối cùng. Thanh toán sẽ được tiến hành bằng tiền hoặc chuyển giao vật chất tùy theo từng sản phẩm.
Bài viết tham khảo thông tin từ Báo Đầu tư – Cơ quan quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.