Đại dịch Covid-19 là thời điểm mà ngành du lịch chịu nhiều tổn thất nhất, nếu chỉ tính riêng ở Việt Nam so với cùng kì năm ngoái, con số này đã lên đến 6 tỷ USD.
Dù được giới chuyên gia dự đoán sẽ là ngành phục hồi mạnh nhất sau dịch bệnh do nhu cầu du lịch sau thời gian cách ly xã hội, các công ty du lịch nói chung và các công ty startup du lịch nói riêng đều đang có những hướng thay đổi để thích nghi với tình hình dịch bệnh, hướng tới quá trình phục hồi hậu Covid-19 cũng như phát triển lâu dài.
Ngoài những hướng thay đổi mang tính tạm thời như cắt giảm nhân lực ở một số khâu ít quan trọng, chuyển đổi số mọi hoạt động offline sang online,… thì cũng có những thay đổi mang tính đột phá và tạo bước ngoặt của một số công ty.
-
Những hướng thay đổi chính của các công ty startup du lịch
1. Chuyển hướng sang mô hình kinh doanh thay thế.
KKday được biết tới là một startup Đài Loan với những bước tiến mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây. Sử dụng KKday, du khách có thể tự mình đặt vé tham quan, vé tàu, mua sim card, bộ phát Wi-Fi du lịch, thuê xe đưa đón tại sân bay,…
Trong thời kì dịch bệnh, doanh thu giảm có những lúc chạm mốc 90% và đó là lúc KKday quyết định chuyển hướng hoạt động của mình sang kinh doanh thức ăn và quà lưu niệm. Kết quả là doanh thu KKday tăng 50% so với tháng trước đó, phần nào khắc phục được những vấn đề tồn tại của công ty.
Nhắc đến KKday thì phải nhắc đến đối thủ trực tiếp của họ: Klook, một công ty startup đặt trụ sở tại Hồng Kông với ý tưởng thành lập ban đầu do muốn hạn chế việc bị chặt chém khi đi du lịch. Ra mắt cùng thời điểm và có cách thức hoạt động gần giống với KKday, có thể dễ hiểu khi Klook cũng phải thay đổi phương hướng hoạt động của mình trong thời buổi đại dịch.
Hiện nay, trang web Klook chuyển sang mô hình đặt chỗ nhà hàng, giao thức ăn và cung cấp thực phẩm tươi cho các hộ gia đình.
Hoặc cũng có thể kể đến Tubudd – mô hình startup Việt kết nối khách du lịch và hướng dẫn viên du lịch, cũng chuyển hướng sang hỗ trợ dịch vụ gia hạn visa du lịch cho những du khách bị mắc kẹt tại Việt Nam trong thời kì cách ly xã hội.
2. Chuyển hướng sang cho thuê nơi làm việc dài hạn.
Luxstay – nền tảng cho thuê nhà, chung cư, căn hộ của Việt Nam, từng được biết đến với màn gọi vốn thành công 6 triệu USD tại Shark Tank cũng có những bước chuyển hướng trong thời kỳ Covid-19. Cụ thể, Luxstay cho thuê những căn hộ để trở thành nơi làm việc trong thời kì cách ly xã hội.
Hay Manmo, một startup tìm kiếm và đặt nhà nghỉ cũng chuyển hướng sang cho thuê căn hộ tầm trung dài hạn cho những khách du lịch bị kẹt lại ở những tỉnh thành khác.
3. Thực hiện các chiến dịch mang tính nhân văn giữa đại dịch.
Công ty du lịch Viettravel phát động chiến dịch Happy mask cũng như cuộc thi cùng tên với mục đích kêu gọi mọi người chấp hành đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Hay công ty startup AskVietnamese – công ty chuyên phát hành các bản đồ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, cũng rục rịch số hóa các bản đồ của mình lên nền tảng website và bắt đầu chiến dịch “Fighting Corona”: tặng bản đồ cho khách du lịch đến Việt Nam vào năm 2021.
Có người ví startup như một hệ sinh thái mở, dù vô cùng đa dạng nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Đó là một trong những lý do mà hơn 90% startup không thể tồn tại qua năm thứ 3. Đại dịch ập đến là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội cho những startup thay đổi, thích nghi nhanh chóng và đón đầu ngọn sóng để mạnh mẽ vươn lên.
Bài viết tham khảo thông tin từ VNExpress và Thời báo kinh tế Sài Gòn
Nhật Minh
You must log in to post a comment.