I. Định nghĩa
Phân tích cơ bản là phương pháp đầu tư cổ phiếu bằng cách xác định giá trị nội tại của cổ phiếu đó trên thị trường.
Phương pháp phân tích cơ bản dựa trên giá trị nội tại của cổ phiếu (hay giá trị được tạo ra bởi chính hoạt động của công ty), là cơ sở quyết định giá cổ phiếu và xu hướng thay đổi giá cổ phiếu trong tương lai so với giá trị nội tại.
Các nhà đầu tư theo đuổi trường phái phân tích cơ bản đo lường giá trị thực của một công ty thông qua định lượng (quantitative analysis) và định tính (qualitative analysis) với các chỉ tiêu tài chính như:
- Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận
- Những rủi ro mà công ty có thể gặp phải
- Dòng tiền
Căn cứ trên sự chênh lệch của giá thị trường và giá trị thực của một cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu khi giá thị trường thấp hơn giá nội tại của công ty (cổ phiếu định gía rẻ) và bán cổ phiếu khi giá thị trường cao hơn giá trị nội tại của công ty (cổ phiếu định giá đắt).
II. Phân tích cơ bản dựa vào những giả định
- Mối quan hệ giữa giá trị và các yếu tố tài chính là có thể đo lường được.
- Mối quan hệ giữa giá trị và các yếu tố tài chính ổn định trong một khoảng thời gian đủ dài.
- Các sai lệch của mối quan hệ sẽ được điều chính lại vào thời điểm thích hợp.
III. Phân tích cơ bản cổ phiếu thông qua định lượng (quantitative analysis)
Với định lượng, nhà đầu tư sẽ tập trung vào phân tích các dữ liệu của công ty về giá cố phiếu trong quá khứ, hay các báo cáo tài chính. Từ đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng lên mô hình định lượng để xác định kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu của công ty trong tương lai. Ba báo cáo tài chính quan trọng nhất là báo cáo thu nhập, bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Tuy nhiên, phương pháp định lượng chỉ thích hợp để áp dụng trên một số ngành. Các công ty thuộc ngành tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm hay tiện ích là những ví dụ cho phương pháp này. Bởi vì các công ty này thường có kết quả kinh doanh và gía cổ phiếu dao động ổn định qua một thời gian.
IV. Phương pháp Top-Down hay định tính (qualitative analysis)
Phân tích cơ bản có thể được sử dụng theo phương pháp phân tích từ nhân tố vĩ mô đến nhân tố vi mô có ảnh hưởng đến cổ phiếu gồm 5 cấp độ. Cách này định giá công ty hay cổ phiếu thông qua định tính (qualitative analysis). Thay vì phân tích dữ liệu như định lượng, cách này tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty.
Tuỳ vào mục tiêu và khả năng phân tích mà nhà đầu tư có thể sử dụng 1 trong 5 cấp độ phân tích sau:
- Phân tích các điều kiện kinh tế vĩ mô: bao gồm các chính sách của Chính phủ, GDP, xu hướng lãi suất, lạm phát, tỷ giá hối đoái… Qua đó, nhà đầu tư có thể xác định chu kỳ kinh tế ở thời điểm hiện tại và sự liên quan tới ngành nghề của công ty cần tập trung để đầu tư.
- Phân tích thị trường tài chính – chứng khoán
- Phân tích ngành mà công ty đang hoạt động: bao gồm tình hình cung/cầu, Porter’s Five Forces, chuỗi cung ứng của ngành. Việc phân tích ngành nhằm xác định mức độ thu hút và tiềm năng tăng trưởng của ngành trong lương lai.
- Phân tích công ty: bao gồm tình hình cung ứng của công ty, nguyên vật liệu, giá trị gia tăng mà công ty có được trong chuỗi cung ứng, công suất nhà máy, tỷ lệ sản xuất/ công suất, xác định được điểm hoà vốn, CAPEX,…
- Phân tích cổ phiếu
V. Ưu điểm và nhược điểm của phân tích cơ bản
1. Ưu điểm
– Phương pháp này thích hợp cho việc dự đoán giá cổ phiếu và cho chiến lược đầu tư trong dài hạn, như đầu tư giá trị.
– Giúp cho nhà đầu tư lựa chọn công ty tốt để đầu tư vào cổ phiếu sau khi phân tích các yếu tố tác động đến giá trị của công ty.
2. Nhược điểm
– Phương pháp này tiêu tốn nhiều thời gian và công sức do phải tiếp cận và xử lí một khối lượng lớn các thông tin kinh tế và tài chính.
– Mức độ chính xác của kết quả phân tích bị hạn chế, bởi vì kết quả phân tích phụ thuộc vào tính chính xác từ các báo cáo tài chính của công ty.
– Ngoài ra, phân tích cơ bản tồn tại nhiều biến số và giá trị của các biến số này, một phần, mang tính chủ quan của người phân tích.
– Phân tích cơ bản cũng bỏ qua yếu tố tâm lí của nhà đầu tư trên thị trường.

Bài viết có tham khảo thông tin từ VietnamBiz, VNDirect và hsc.com.vn
Minh N.
You must log in to post a comment.