Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng mà mỗi chúng ta nên rèn luyện. Tuy nhiên kỹ năng này cần sự rèn luyện và thực hành liên tục.
1. Tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân.
– Mỗi chúng ta đều có cho mình một dòng tiền để quản lý dù ít hay nhiều. Từ một đứa trẻ phải nhận số tiền tiêu vặt hàng tháng của bố mẹ để chi tiêu đến một người trưởng thành đã đi làm với mức lương vài chục triệu một tháng, họ đều cần biết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nếu không muốn thu không đủ chi.
– Quản lý tài chính cá nhân sẽ hiệu quả hơn nếu mỗi người tìm cho mình ít nhất một phương pháp quản lý tiền hiệu quả. Một trong số những phương pháp quản lý tài chính cá nhân được nhắc đến nhiều nhất đó là: phương pháp 6 chiếc lọ.
2. Phương pháp 6 chiếc lọ.
– Phương pháp 6 chiếc lọ còn được nhắc đến với cái tên quy tắc JARS. Đây là phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân của T.Harv Eker – một doanh nhân, diễn giả nổi tiếng và là tác giả của cuốn sách “Bí mật tư duy triệu phú”. Phương pháp này chia thu nhập hằng tháng của mỗi người thành 6 chiếc lọ.

Chiếc lọ 1: NECESSITIES – CHI TIÊU THIẾT YẾU (chiếm 55%).
– Chiếc lọ này dành các khoản chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu, sinh hoạt hằng ngày của bạn. Cụ thể, các loại chi phí nằm trong khoản này là: tiền thuê nhà; tiền ăn uống 3 buổi; các hoá đơn sinh hoạt (điện, nước,…); mua sắm quần áo;…
Nếu những khoản này của bạn chiếm đến 80% thì bạn cần xem lại kế hoạch chi tiêu của mình, tiết giảm lại dần dần để tỷ lệ dành cho khoản này về lại mức hợp lý.
Chiếc lọ 2: LONG TERM SAVING FOR SPENDING – TIẾT KIỆM DÀI HẠN CHO TƯƠNG LAI (chiếm 10%).
– Khoản đầu tư này được dành cho những mục tiêu dài hạn của bạn. Mục tiêu dài hạn ở đây có thể là: mua nhà, mua xe, nuôi con cái, đi du lịch vòng quanh thế giới,…
Chiếc lọ 3: EDUCATION – ĐẦU TƯ CHO SỰ HỌC CỦA BẢN THÂN (chiếm 10%).
– Quỹ này giúp bạn có thể có số tiền chi trả cho việc học của mình. Không chỉ khi còn đi học mà ngay cả khi bạn đã tốt nghiệp, bạn cần một khoản tiền nhất định để chi trả cho những khoá học bên ngoài nhằm nâng cao năng lực cá nhân.
Chiếc lọ 4: PLAY – KHOẢN DÀNH CHO GIẢI TRÍ (chiếm 10%).
– Bạn hãy luôn nhớ quản lý tài chính cần sự linh hoạt và chi tiêu đúng mức chứ không phải keo kiệt với bản thân. Mỗi tháng bạn cần dành ra một khoảng tiền nhất định để dành cho việc vui chơi, giải trí, mát-xa,… Đây là khoản bạn dành riêng để chăm sóc cho chính bản thân mình.
Chiếc lọ 5: FINANCIAL FREEDOM – QUỸ TỰ DO TÀI CHÍNH (chiếm 10%).
– Đây là nguồn quỹ dự phòng cho tương lai của bạn, dành cho những dự định riêng. Bạn có thể dùng khoản này để đầu tư vào những kênh đầu tư để sinh thêm lợi nhuận. Quỹ này có thể giúp bạn lo cho cuộc sống tuổi già sau này và nghỉ hưu sớm.
Chiếc lọ 6: TITHING OR GIVE – TỪ THIỆN (chiếm 5%).
– Đây là khoản bạn dùng để quyên góp từ thiện; giúp đỡ những người xung quanh; giúp đỡ bạn bè, gia đình;… Nếu thu nhập của bạn không được cao thì có thể giảm tỷ lệ này xuống, tuy nhiên hãy luôn duy trì chiếc lọ này.
Hy vọng phương pháp quản lý tài chính với 6 chiếc lọ này sẽ giúp bạn có được cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn.
Bài viết tham khảo thông tin từ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VP Bank; BIDV.MetLife
Huỳnh Duyên