Các nhà đầu tư thường dùng hệ số P/E để định giá cổ phiếu khi đầu tư chứng khoán. Vậy hệ số này là gì? Có ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng idautu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Hệ số P/E là gì?
Hệ số P/E – Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu, viết tắt của cụm từ Price to Earning Ratio, là tỷ số tài chính dùng để đánh giá mối liên hệ giữa thị giá hiện tại của một cổ phiếu (giá cổ phiếu ở chợ chứng khoán) và tỷ số thu nhập trên cổ phần. Hệ số này biểu hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận tính trên một cổ phiếu nào đó.
2. Công thức và ý nghĩa
Hệ số P/E là một trong những chỉ số phân tích quan trọng trong quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư. Thu nhập từ cổ phiếu sẽ có ảnh hưởng quyết định đến giá thị trường của cổ phiếu đó. Hệ số P/E đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường (Market Price – P) và thu nhập của mỗi cổ phiếu (Earning Per Share – EPS). Hệ số P/E được tính bằng cách lấy giá thị trường bình quân của cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành trong một kỳ nhất định chia cho thu nhập bình quân trên một cổ phần mà doanh nghiệp phải trả cho nhà đầu tư trong kỳ đó.

P/E phản ánh kỳ vọng của thị trường về sự tăng trưởng thị giá cổ phiếu trong tương lai. Khi người ta so sánh P/E của các công ty cùng ngành, P/E của đơn vị nào cao hơn mức bình quân có nghĩa là thị trường kỳ vọng công ty đó sẽ ăn nên làm ra trong thời gian tới hơn so với các doanh nghiệp có P/E thấp hơn.
Một cổ phiếu có P/E càng cao thì kỳ vọng của thị trường vào lợi nhuận của doanh nghiệp càng cao. Ngược lại, khi thị trường ít hoặc không kỳ vọng nhiều vào khả năng sinh lời của công ty thì mức giá họ sẵn sàng bỏ ra để mua cổ phiếu sẽ thấp, dẫn đến P/E thấp.
3. Các loại hệ số P/E
Ở thị trường các nước, người ta phân biệt rõ hai loại P/E: loại lấy thu nhập bốn quý trước đó (gọi là trailing P/E) và loại dự báo thu nhập bốn quý tiếp theo (gọi là forward P/E). Ngoài ra, còn có một loại thứ ba và ít phổ biến hơn là lấy tổng của hai quý thực tế gần đây nhất và ước tính của hai quý tiếp theo.
a. Forward P/E
Forward P/E giúp so sánh thu nhập hiện tại với thu nhập trong tương lai. Tuy nhiên, có những vấn đề với loại P/E này, ví dụ như các công ty có thể đánh giá thấp thu nhập (EPS) để thay đổi mức P/E ước tính khi thu nhập của quý tiếp theo được công bố.
b. Trailing P/E
Trailing P/E dựa trên kết quả hoạt động trong quá khứ bằng cách chia giá cổ phiếu hiện tại cho tổng thu nhập EPS trong 12 tháng qua. Đây là loại hệ số P/E phổ biến nhất vì nó khá khách quan. Một số nhà đầu tư thích xem xét Trailing P/E vì họ không tin tưởng vào ước tính thu nhập. Nhưng Trailing P/E cũng có những thiếu sót – cụ thể là hiệu suất trong quá khứ của một công ty không báo hiệu hành vi trong tương lai.
Tổng hợp từ: VietStock, Wikipedia, Investopedia
You must log in to post a comment.