Nợ mạo hiểm xuất hiện đầu tiên vào những năm 1970 tại Mỹ. Đây là một phần quan trọng trong cấu trúc vốn của các công ty khởi nghiệp. Tiêu biểu có thể kể đến như: Spotify, Airbnb và Uber,…
I. Nợ mạo hiểm là gì?
– Nợ mạo hiểm hay nợ liên doanh (Venture debt/ Venture lending) là một hình thức tài trợ nợ được cung cấp cho các công ty bởi ngân hàng hoặc các tổ chức cho vay phi ngân hàng. Nguồn vốn này được doanh nghiệp dùng để tài trợ cho vốn lưu động (working capital) hay chi phí vốn (capital expenses).
– Đối với các công ty khởi nghiệp (startup), vốn mạo hiểm rất có ích trong việc nâng cao nguồn lực của vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các công ty khởi nghiệp vẫn chưa biết đến những lợi ích mà nợ mạo hiểm mang lại. Theo Silicon Valley Bank, nợ mạo hiểm chỉ chiếm 5% thị trường tài chính mạo hiểm ở Châu Âu, con số này là 15% ở Mỹ. Điều này cho thấy khả năng tăng trưởng của mảng thị trường này vẫn còn rất “béo bở”.
II. Nợ mạo hiểm mang đến cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội:
– Nếu được cấu trúc một cách phù hợp thì nợ mạo hiểm mang đến nhiều ưu điểm:
+ Hạn chế thấp nhất việc pha loãng cổ phiếu (equity dilution) đối với chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư.
+ Không yêu cầu định giá doanh nghiệp.
+ Nhà đầu tư vốn mạo hiểm không yêu cầu việc sẽ có mặt trong ban quản trị. Vì thế nên cấu trúc của ban quản trị công ty không bị ảnh hưởng.
+ Một nguồn vốn dồi dào và tốc độ huy động nhanh, linh hoạt.

– Justin Fitzpatrick, CEO của công ty khởi nghiệp Duedil, cho rằng: ưu điểm lớn nhất của nợ mạo hiểm là tốc độ huy động nhanh. Ông cho biết giai đoạn Duedil phải huy động nợ mạo hiểm thì chỉ mất từ 4 – 6 tuần. Đồng thời việc này cũng không dẫn đến pha loãng cổ phiếu của Duedil, nó giúp công ty phát triển các kế hoạch kinh doanh.
– Nợ mạo hiểm có thể đóng vai trò như một chính sách bảo hiểm; hay là một phương thức để tài trợ cho các cơ hội kinh doanh. Nó cũng có thể trở thành nguồn lực giúp các startup đạt được lợi nhuận thay vì chỉ chăm chăm vào mục tiêu tăng trưởng.
III. Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì khi sử dụng nợ mạo hiểm?
1. Thời điểm:
– Sự khác nhau giữa nợ mạo hiểm và vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital) là doanh nghiệp phải trả lại khoản vay nợ. Chính vì vậy, việc vay nợ mạo hiểm vào thời điểm nào là rất quan trọng. Justin Fitzpatrick khuyên rằng, chỉ nên sử dụng vốn mạo hiểm khi đã có cho mình những dự đoán kinh doanh nhất định.
– Nợ mạo hiểm có thể là một bổ sung hữu ích cho vốn chủ sở hữu, nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn. Nếu một công ty không có khả năng tăng vốn chủ sở hữu thì không nên vay.
– Quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ cũng là một yếu tố quan trọng cần xem xét. Stephanie Heller, đối tác quản lý quỹ nợ mạo hiểm Bootstrap Europe, nói rằng: “Nếu là người sáng lập, tôi sẽ không sử dụng nợ mạo hiểm trừ khi công ty có một sự gia tăng giá trị đủ lớn”.
2. Lập kế hoạch:
– Doanh nghiệp cần xem xét kế hoạch tài chính. Bên cạnh đó cũng dự tính tất cả những cách thức để có thể hoàn trả khoản vay nợ.

– James Jenkins-Yates, CEO của Houst, cho rằng: chỉ nên vay nợ mạo hiểm khi đảm bảo ROI (tỷ suất hoàn vốn) của bất kỳ khoản đầu tư được thực hiện trong vòng ba năm tới, thay vì dài hạn hơn. Có như vậy doanh nghiệp mới có cơ hội hoàn trả lại khoản vay nợ mạo hiểm.
3. Cẩn trọng khi đàm phán, ký kết:
– Cấu trúc vốn là rất quan trọng trong quá trình kinh doanh. Thế nên doanh nghiệp cần tìm cho mình một cấu trúc vốn phù hợp khi sử dụng nợ mạo hiểm.
– Nợ mạo hiểm đi kèm với các chi phí ẩn – cách mà nhà cho vay sử dụng để bù đắp chi phí rủi ro. Trong đó có thể kể đến các giao ước trong quá trình giao dịch. Đây là những yêu cầu mà bạn phải tuân thủ trong suốt thời hạn của khoản vay. Điều này có thể đặt ra những hạn chế đối với doanh nghiệp. Chứng quyền (warrant) cũng là một yếu tố cần lưu ý khác.
– Ngoài ra, việc hiểu biết về tài chính là một lợi thế rất lớn. Bạn nên có một giám đốc tài chính hoặc một người cộng sự hiểu rõ nền tảng tài chính của công ty. Họ sẽ trách nhiệm về việc đàm phán thỏa thuận tốt nhất. Đó là lời khuyên của Jamie Ward, CEO của Hussle.
– Tìm cho mình một đối tác phù hợp để bắt đầu quá trình kinh doanh với nợ mạo hiểm. Đảm bảo rằng đó là đối tác giúp bạn có thể phát triển được cơ hội kinh doanh của mình.
Bài viết tham khảo thông tin từ Forbes, trincapinvestment.
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.