Nợ xấu là một thuật ngữ chắc hẳn ai cũng đã từng nghe, nhưng ít ai tìm hiểu về khái niệm này. Đến một lúc khi có nhu cầu vay ngân hàng hoặc gọi vốn, nhận được lời từ chối từ ngân hàng thì mới nhận ra mình đang có một khoản nợ xấu tại ngân hàng.
Vậy nợ xấu cụ thể là gì? Tại sao lại có nợ xấu? Nợ xấu có ảnh hưởng tới một cá nhân như thế nào? Hay đơn giản là cách xóa nợ xấu thế nào? Hãy cùng iDauTu.com cập nhật những kiến thức cơ bản này cho bản thân mình nhé.
I. Khái niệm cơ bản
Theo định nghĩa của ngân hàng thì nợ xấu là những khoản nợ vay tại các tổ chức tín dụng đã đến hạn thanh toán nhưng chưa được khách hàng vay thanh toán đầy đủ và đã quá hạn trên 90 ngày tính từ ngày bắt đầu đến hạn trả.
Hiểu một cách đơn giản thì nợ xấu là khoản tiền mà bạn vay mượn bạn bè, người thân, người xa lạ hoặc tổ chức nào đó… trong một thời gian nhất định. Nhưng khi đến hạn trả nợ thì vì lý do nào đó mà bạn vẫn chưa có tiền để trả nợ.
Các khoản nợ xấu dù ở thời điểm hiện tại hoặc đã phát sinh từ một khoảng thời gian trước, thì cho dù đã tất toán nhưng vẫn hiện hữu trong lịch sử tín dụng của khách hàng và ảnh hưởng trực tiếp tới điểm xếp hạng tín dụng của họ. Do vậy các khách hàng có nợ xấu hoặc có lịch sử nợ xấu rất khó khăn hoặc gần như không thể vay mượn tại các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là bạn sẽ không được phép tiếp tục vay vốn nữa, thực tế vẫn có cách giúp bạn xóa nợ xấu chỉ cần bạn nắm bắt được phương thức hoạt động của chúng thì bạn vẫn có thể tiếp tục vay vốn hoặc đáo hạn vay khi cần. Để hiểu rõ hơn về nợ xấu, cùng tìm hiểu về các loại nợ xấu và đặc điểm của chúng.
II. Phân loại nợ xấu
Nợ đủ tiêu chuẩn | Nợ cần lưu ý | Nợ dưới tiêu chuẩn | Nợ nghi ngờ có thể mất vốn | Nợ có khả năng mất vốn | |
Tiền gốc và lãi | Thanh toán đúng hạn hoặc trễ không quá 10 ngày. | Quá hạn thanh toán từ 10 ngày đến dưới 30 ngày. | Quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày. | Quá hạn từ 90 ngày đến dưới 180 ngày. |
Quá hạn trả nợ 180 ngày. |
Cơ cấu lại thời gian trả nợ | Cơ cấu lại lần đầu tiên. | Đã cơ cấu lại lần đầu + quá hạn dưới 30 ngày. | – Đã cơ cấu lại lần đầu + quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày.
– Đã cơ cấu lại lần 2 |
– Đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu + quá hạn từ 90 ngày trở lên.
– Đã cơ cấu lại lần 2 nhưng vẫn quá hạn. – Cơ cấu lại lần 3 dù chưa quá hạn vẫn được xếp vào nhóm này. |
|
Khác |
Khách hàng được miễn trả hoặc được giảm lãi suất do không đủ khả năng chi trả như hợp đồng tín dụng đã ký kết. |
III. Lý do phát sinh nợ xấu
Có nhiều nguyên nhân phát sinh nợ xấu và dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất nhưng lại ít người biết:

1. Nợ xấu đến từ các hoạt động thương mại
Sử dụng thẻ tín dụng không kiểm soát dẫn tới mất khả năng thanh toán nên không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.
Mua hàng trả góp tại các siêu thị nhưng không trả tiền đầy đủ và đúng hạn theo cam kết trong hợp đồng mua bán đã ký. Đồng thời, các tài sản thế chấp do không được thanh toán dẫn đến bị gán nợ.
Có rất nhiều cá nhân với suy nghĩ hời hợt là có khả năng thanh toán nhưng cứ chần chừ vì nghĩ rằng chỉ trễ một vài ngày cũng không thành vấn đề. Tuy nhiên với những quy định chặt chẽ của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện nay, chỉ cần bạn đóng trễ một ngày so với quy định, khoản nợ của bạn đã bị xếp vào nợ quá hạn.
2. Một số nguyên nhân khác
Khách hàng bị kiện ra tòa do có khoản nợ phát sinh với cá nhân hay doanh nghiệp khác. Lý do có thể đến từ việc khách hàng quên, hoặc cố tình không đóng các khoản phí phạt do quá hạn thanh toán, dẫn tới khoản phí phạt này chuyển thành các khoản nợ quá hạn.
Có rất nhiều trường hợp khách hàng có khoản nợ đến hạn liền tới ngân hàng chuyển khoản thanh toán nhưng lại rơi vào dịp cuối tuần, điều này đồng nghĩa với việc sang tuần tiếp theo thì ngân hàng hay tổ chức tín dụng mới nhận được khoản thanh toán của bạn, như vậy có nghĩa là bạn đã thanh toán trễ, khoản nợ của bạn đã bị xếp vào nợ quá hạn.
Tóm lại, trước khi quyết định vay vốn khách hàng nên tự đánh giá lại năng lực trả nợ của bản thân ở mức độ nào, có kế hoạch cụ thể cho lộ trình thanh toán khoản vay để tránh gặp phải những sự cố khiến bạn rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bị liệt vào nhóm nợ xấu và mất đi cơ hội tiếp tục vay vốn sau này.
IV. Những tác hại khôn lường
Trước hết, dính phải một khoản nợ xấu đồng nghĩa với bạn đã mất cơ hội tiếp cận những khoản vay mới từ ngân hàng giao dịch hoặc các tổ chức tài chính hợp pháp, có uy tín. Từ đó, mất đi những cơ hội phát triển công ty hay dự án cá nhân nếu cần một khoản vốn nhất định.
Đồng thời, có nguy cơ bị mất tài sản đảm bảo như tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng nếu bạn không chi trả đầy đủ khoản vay. Hơn nữa, thẻ tín dụng của bạn cũng sẽ có nguy cơ bị khóa.
Mở rộng vấn đề, nợ xấu đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ không thể cho vay và các doanh không tiếp cận được vốn để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo.

V. Cách xóa nợ xấu
1. Các khoản vay dưới 10 triệu đồng
Khách hàng cần thực hiện thanh toán ngay lập tức. Vì căn cứ theo Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/2/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì từ ngày 01/12/2014 Ngân hàng Nhà nước ngừng cung cấp lịch sử tín dụng các khoản vay có dư nợ quá hạn dưới 10 triệu đồng đã được thanh toán hoàn tất. Do vậy khách hàng sẽ không phải lo về những khoản vay dưới 10 triệu đồng của mình nếu đã hoàn tất việc thanh toán.
2. Các khoản vay trên 10 triệu đồng
Khách hàng vẫn cần thu xếp tài chính để hoàn tất thanh toán khoản nợ xấu bao gồm cả gốc và lãi phát sinh tại thời điểm thanh toán. Khi đã thanh toán khoản vay này thì đây là cách tốt nhất để giải quyết triệt để khoản nợ xấu tại ngân hàng của người vay.
Sau đó cần thông báo với nhân viên tín dụng sau khi đã thanh toán khoản nợ xấu ấy. Khách hàng theo mặt pháp luật, hoàn toàn có quyền đề nghị ngân hàng làm văn bản xác nhận về việc đã hoàn trả nợ đã quá hạn và lý do khách quan phát sinh khoản nợ xấu này.
Thông tin lịch sử tín dụng của mỗi khách hàng đều sẽ được cập nhật bổ sung theo chu kỳ hàng tháng. Theo đúng tuần tự thì sau 12 tháng trả hết nợ xấu, lịch sử tín dụng của người vay sẽ đủ điều kiện vay khoản vay mới của ngân hàng.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng vẫn chấp nhận khách hàng có lịch sử nợ xấu với điều kiện nguyên nhân phát sinh nợ xấu là do lý do khách quan, cũng như đảm bảo tình hình tài chính của người vay phải tốt theo một tiêu chuẩn nhất định.
3. Một số trường hợp khác
Ngoài ra, các khách hàng thuộc nhóm “Nợ nghi ngờ có thể mất vốn” sẽ rất khó khăn để có thể tiếp tục vay vốn. Thời gian theo quy định về xóa nợ xấu cho nhóm này là sau 5 năm, một khoảng thời gian khá dài. Vì vậy nếu được, các khách hàng nên có thói quen đặt lịch thanh toán, nhắc nhở bản thân mình hoặc sử dụng các kênh thanh toán tự động để hạn chế nguy cơ phát sinh nợ xấu của bạn.
Bài viết có tham khảo thông tin từ tapchitaichinh.vn và shbfinance.com.vn
Nhật Minh
You must log in to post a comment.