I. Sơ lược về thị trường tài chính sơ cấp và thứ cấp
1. Thị trường tài chính sơ cấp là gì?
Thị trường tài chính sơ cấp (Primary financial market) là thị trường mua bán các tài sản tài chính mới phát hành, còn được gọi là thị trường cấp một hay thị trường phát hành. Trên thị trường này, vốn từ nhà đầu tư được chuyển sang nhà phát hành thông qua việc nhà đầu tư mua các tài sản tài chính mới phát hành.
Người phát hành các tài sản chính có thể là có thể là các doanh nghiệp, ngân hàng và cũng có thể là nhà nước. Khi doanh nghiệp muốn huy động vốn cho một dự án đầu tư, doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu và giao dịch trên thị trường sơ cấp.
Chức năng của thị trường tài chính sơ cấp: là huy động vốn tài chính để hỗ trợ cho việc đầu tư mới vào nhà xưởng, thiết bị và hàng thông qua việc phát hành các tài sản tài chính mới.
Với chức năng đó, thị trường sơ cấp đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển nguồn tiền từ nơi nhàn rỗi đến nơi cần sử dụng. Đồng thời, thúc đẩy các khoản tiết kiệm để đưa vào đầu tư.
Hay nói cách khác, thị trường tài chính sơ cấp không chỉ đóng vai trò tập hợp các nguồn vốn mà còn là công cụ hiệu quả giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế.
2. Thị trường tài chính thứ cấp là gì?
Thị trường tài chính thứ cấp (Secondary financial market) là thị trường mua đi bán lại các tài sản tài chính đã được phát hành, còn được gọi là thị trường cấp hai.
Trên thị trường này diễn ra việc mua bán chứng khoán giữa các nhà đầu tư, số tiền thu được từ việc mua bán chứng khoán thuộc về nhà đầu tư chứng khoán, nhượng lại quyền sở hữu chứng khoán cho nhà đầu tư khác.
Chứng khoán sau khi được phát hành thường được mua đi bán lại nhiều lần trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu. Điều này có thể xảy ra nhằm mục đích cất giữ tài sản chính, nhận một khoản thu nhập hằng năm (cổ tức, trái tức,…) hoặc để hưởng chênh lệch giá.
Chức năng của thị trường tài chính sơ cấp: là tạo khả năng thanh khoản cho các tài sản tài chính đã được phát hành. Nhà đầu tư có thể chuyển đổi chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn.
Hoạt động của thị trường thứ cấp chỉ làm thay đổi quyền sở hữu của các chứng khoán đã phát hành mà không làm tăng thêm lượng vốn đầu tư cho nền kinh tế.

II. Mối quan hệ giữa thị trường tài chính sơ cấp và thị trường tài chính thứ cấp
Hai thị trường này tồn tại mối quan hệ nội tại với nhau, trong đó thị trường tài chính sơ cấp là cơ sở, tiền đề, còn thị trường tài chính thứ cấp là động lực phát triển của thị trường tài chính. Nếu không có thị trường sơ cấp thì không có chứng khoán để lưu thông trên thị trường thứ cấp và ngược lại.
Việc phân biệt thị trường tài chính sơ cấp và thứ cấp có tính chất tương đối. Trong thực tế rất khó có sự phân định đâu là thị trường tài chính thứ cấp và đâu là thị trường tài chính sơ cấp. Bởi vì trong một thị trường chứng khoán vừa có giao dịch của thị trường tài chính sơ cấp vừa có giao dịch của thị trường tài chính thứ cấp. Mặc dù vậy, nhưng việc phân biệt thị trường hai cấp này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình tiếp cận thị trường nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của thị trường.
Bài viết sử dụng thông tin của Vietnambiz và CTCP Chứng Khoán TPHCM
Xuân Hòa
You must log in to post a comment.