Trên thị trường chứng khoán, bất cứ khi nào bạn thực hiện mua và bán cổ phiếu hay các sản phẩm tài chính khác, hai ngày quan trọng mà bạn phải nắm đó là ngày giao dịch và ngày thanh toán.
1. Khái niệm về ngày giao dịch và ngày thanh toán
“T” hay “T+0” được hiểu là ngày giao dịch. Trong khi đó, “T+1, T+2, và T+3” được xem là ngày thanh toán; khi các giao dịch chính thức được chuyển nhượng sau ngày giao dịch theo thứ tự là 1 ngày, 2 ngày, và 3 ngày.
Ngày giao dịch là ngày mà bạn tiến hành đặt lệnh mua/bán cổ phiếu thành công trên thị trường với một mức giá xác định.
Ngày thanh toán là ngày mà quyền sở hữu cổ phiểu được chính thức chuyển giao giữa người mua và người bán.
Theo quy định mới nhất của Luật Chứng khoán tại Việt Nam, sau khi thực hiện mua/bán cổ phiếu thì ngày thanh toán sẽ là 16h30 chiều ngày T+2. Kể từ thời điểm này, quyền sở hữu cổ phiếu bạn mua trước đó 2 ngày chính thức nằm trong tay bạn và bạn được toàn quyền quyết định việc giao dịch tiếp theo của cổ phiếu này.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, để xác định chính xác ngày thanh toán, chỉ những ngày làm việc của thị trường chứng khoán mới được tính; thứ 7, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ sẽ không được tính.
Ví dụ: Ngày T+1 có nghĩa là giao dịch xảy ra vào ngày thứ hai và việc chuyển nhượng sẽ hoàn tất vào thứ ba. Tương tự, T+3 có nghĩa là ngày giao dịch là thứ hai và ngày thanh toán sẽ là thứ năm, giả sử không có ngày nghỉ lễ nào giữa thứ hai và thứ năm. Tuy nhiên, nếu bạn mua cổ phiếu vào thứ sáu và ngày thanh toán là T+2 thì quyền sở hữu và chuyển khoản của giao dịch sẽ không xảy ra cho đến tận thứ ba tuần sau đó.

Lưu ý: Khoản thời gian giữa ngày giao dịch và ngày thanh toán không phải là thời gian để các nhà đầu tư có thể thay đổi quyết định giao dịch của mình. Ở đây việc mua/bán đã được chốt vào ngày giao dịch, chỉ có sự chuyển nhượng sẽ xảy ra sau đó vào ngày thanh toán.
2. Giao dịch trong ngày và “T+0”
Cơ chế giao dịch trong ngày (Daytrading) được xác định khi các giao dịch mua và bán các loại chứng khoán hay các sản phẩm tài chính khác được hoàn thành trong vòng 1 ngày.
Tất cả các giao dịch được thực hiện trong ngày nên vị thế nắm giữ chứng khoán của các nhà đầu tư sẽ được đối trừ (offset) với nhau, các nhà đầu tư chỉ cần thanh toán bằng tiền mặt khi lỗ và nhận tiền mặt khi lãi.
Vì tất cả các giao dịch được thực hiện trong cùng ngày nên nhiều nhà đầu mặc định đây là giao dịch T+0 (ngày thanh toán trùng với ngày giao dịch), tuy nhiên, việc giao dịch trong ngày ở đây chỉ là sự đối trừ về nghĩa vụ mua/bán cổ phiếu cùng loại, khác hoàn toàn với quy định về thời gian thanh toán (T+1, T+2, T+3, như đã đề cập tới ở trên) đang được áp dụng trên các thị trường chứng khoán hiện nay.
Mặc dù quy định về cơ chế giao dịch trong ngày đã được thông qua tại Thông tư 203/2015/TT-BTC, quy định này vẫn chưa được triển khai trên thị trường Việt Nam. Thực tế, nếu không được kiểm soát tốt, giao dịch trong ngày có thể mang lại nhiều rủi ro cao cho nhà đầu tư nói riêng và cả thị trường nói chung.
Tổng hợp từ Đầu Tư Chứng Khoán, ChứngKhoánViệt.VN và Investopedia
Minh N.
You must log in to post a comment.