Hiện nay, có khá nhiều quan niệm sai lầm về nghề môi giới bất động sản. Có người sẽ nghĩ họ là những người “cò” đất, “cò” nhà. Người thì nghĩ nghề môi giới BĐS là một công việc “nhẹ” lương “cao” vì hoa hồng cao ngất ngưởng. Hoặc một số khác sẽ nghĩ làm môi giới bất động sản chẳng cần phải đào tạo, bằng cấp mà chỉ cần khéo miệng, có tài ăn nói là được. Hay một số khác nghĩ đây là một ngành nghề dành cho các bạn sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng trở thành một môi giới bất động sản chuyên nghiệp. Theo quy định, người môi giới bất động sản cần có chứng chỉ mới được phép “hành nghề”.
1. Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
Chứng chỉ này phải do Bộ Xây dựng cấp sau khi thí sinh trải qua một kỳ thi sát hạch. Và chứng chỉ đó chỉ có thời hạn trong vòng 5 năm.
Đối với yêu cầu trình độ học vấn:
Khi thi chứng chỉ, cá nhân chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên là được tham dự.
Chi phí
Mức thu kinh phí sẽ dựa theo quy định của Bộ Xây Dựng. Thông thường, kinh phí dự thi sẽ dao động từ 500.000đ đến 600.000đ. Và kinh phí cấp chứng chỉ là 200.000đ. Theo dự kiến của Bộ Xây Dựng, mỗi năm sẽ tổ chức ít nhất một kỳ thi.
Sát hạch chứng chỉ môi giới bất động sản sẽ thi những gì?
Người dự thi phải thi sát hạch 5 môn gồm:
- Pháp luật về đất đai, về nhà ở, về đầu tư, về kinh doanh bất động sản.
- Thị trường bất động sản
- Đầu tư kinh doanh bất động sản (khái quát)
- Tổng quan về dịch vụ môi giới bất động sản
- Quy trình và kỹ năng môi giới bất động sản
Trong đó, các môn thi đạt yêu cầu phải có số điểm từ 5 điểm trở lên nếu chấm theo thang điểm 10; hoặc 50 điểm trở lên nếu chấm theo thang điểm 100.
Nếu người dự thi đạt được số điểm thi theo yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản do Bộ Xây Dựng cấp.
2. Thực trạng nghề môi giới BĐS tại Việt Nam
Có khoảng gần 90% người môi giới bất động sản là không có chứng chỉ hành nghề. Rất ít người được sự đào tạo bài bản, chuyên sâu và chuyên nghiệp. Đặc biệt đáng lưu ý là vấn đề đạo đức, ứng xử còn khá hạn chế. “Nhân viên môi giới thường thiếu coi trọng nghề nghiệp dễ làm, khó bỏ; còn coi trọng lợi ích cá nhân là trên hết, dễ phản ứng thiếu văn hóa, đạo đức nghề nghiệp”. (Ông Trần Minh Hoàng Phó Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam nói).

Thế nên, người theo ngành này cần được kiểm soát chứng chỉ hành nghề với chương trình đào tạo chuyên sâu theo giáo trình bài bản, cập nhật thường xuyên thông tin thị trường. Điều này vừa có thể giúp thị trường phát triển ổn định và tích cực hơn; vừa có thể giúp chính các môi giới nắm rõ thị trường và có được sự tin cậy của khách hàng hơn.
Ngành môi giới bất động sản có tỷ lệ sàng lọc khá cao
Cộng với đó, nghề môi giới bất động sản có tỷ lệ sàng lọc khá cao. Gần như 10 người vào nghề lại có đến 9 người từ bỏ vì không ký được hợp đồng. Đôi khi, bạn có thể ký được 3 hợp đồng với khách hàng chỉ trong 2 tháng đầu. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là trong 10 tháng sau bạn có thêm những 10 cái hợp đồng nữa. Bạn có thể phải chịu “đói” trong thời gian 10 tháng còn lại đó. Hoặc đôi khi bạn mới vừa “chốt đơn”với khách hàng nhưng hôm sau lại thấy họ ký hợp đồng với các đối thủ khác chỉ vì được giảm tiền chi hoa hồng chẳng hạn. Do đó, người trong nghề này bắt buộc phải chịu đựng áp lực cạnh tranh lớn mới có thể tồn tại lâu dài được.
Ngoài ra, giờ giấc làm việc của họ cũng khá thất thường, không cố định như làm văn phòng. Đồng thời, tính chất công việc cũng hay di chuyển nên rất khó nếu như bạn không có đủ sức bền, thích nghi với sự thay đổi liên tục.
Mối quan hệ luôn là điều cần thiết với người theo ngành này.
Nếu bạn biết cách xây dựng mối quan hệ thì nó sẽ mang lại cho bạn nguồn khách hàng tiềm năng. Bởi vì, khi theo nghề này, bạn có thể được tiếp xúc với rất nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tóm lại, để theo nghề môi giới bất động sản cần rất nhiều yếu tố. Đồng thời, chứng chỉ hành nghề luôn là điều cần thiết.
Bài viết tham khảo thông tin từ Bộ Xây Dựng và viettime.vn
Thanh Nhị
You must log in to post a comment.