1. Lạm phát lối sống là gì?
Lạm phát lối sống (lifestyle creep) là từ dùng để chỉ việc lối sống của một người tăng lên cùng với thu nhập của người ấy. Điều này thường xảy ra khi mức sống của một cá nhân được cải thiện do thu nhập khả dụng của họ tăng lên và những thứ trước đây được coi là xa xỉ lại trở thành những nhu cầu thiết yếu.
Lối sống này là nguyên nhân chủ yếu làm cho chúng ta bị kẹp trong vòng lặp “cơm áo gạo tiền” và suốt ngày phải xoay sở để chi trả hóa đơn. Để hạn chế tình trạng lạm phát lối sống ta cần phải lập ngân sách và suy nghĩ cẩn thận trước khi mua một món hàng nào đó.
2. Đặc điểm của lạm phát lối sống
Đặc điểm nổi bật của lạm phát lối sống là sự thay đổi về suy nghĩ và hành vi, coi việc chi tiêu vào những thứ xa xỉ bỗng trở nên “thiết yếu” từ đó chi tiêu tăng lên một cách chóng mặt. Điều này có thể nhìn thấy trong thái độ cho rằng “mình xứng đáng với điều đó” và bỏ qua những lợi ích, cơ hội từ việc tiết kiệm tiền mang lại.
Một ví dụ trong lạm phát lối sống thường xảy ra khi một người từ sinh viên trở thành người đi làm toàn thời gian. Mặc dù khi còn là sinh viên họ đã từng chi tiêu rất tiết kiệm nhưng khi có khoản tiền lương đầu tiên xuất hiện mọi chuyện khác hẳn. Việc có được khoản thu nhập lớn đã khiến các bạn trẻ thay đổi suy nghĩ, chạy theo những món xa xỉ, đắt tiền khiến chi tiêu tăng lên chóng mặt.
Lối sống này làm cho chúng ta chỉ sống qua ngày và đưa chúng ta vào rủi ro không thanh toán được chi phí y tế khi bệnh tật, hoặc không có khoản dự phòng khi mất việc.
Ngoài ra, việc dễ dàng vay và sử dụng thẻ tín dụng cho phép người tiêu dùng mua hàng hóa với số lượng lớn đã góp phần vào hiện tượng lạm phát lối sống.
3. Chiến lược tránh lạm phát lối sống ở các bạn trẻ
Chúng ta có thể tránh lạm phát lối sống bằng cách chi tiêu và tiết kiệm một cách có chủ đích. Tránh lạm phát lối sống có thể giúp chúng ta độc lập về tài chính ngay từ khi còn trẻ, có được sự linh hoạt về tài chính để lựa chọn công việc mơ ước thay vì phải liên tục tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn, và giúp nghỉ hưu sớm.
Chúng ta có thể sử dụng một số chiến lược sau đây:
– Tính toán những thay đổi trong ngân sách: sau khi trừ các khoản thuế và chi tiêu thì thu nhập ròng của bạn không đáng kể như cách nó xuất hiện. Hãy dành thời gian tính toán xem thực sự cho ngân sách của bạn đã thay đổi ra sao và xác định số tiền đó sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào?
– Kinh nghiệm giá trị hơn mọi thứ: nếu bạn đang có được công việc kiếm được nhiều tiền hơn, thay vì mua những món đồ xa xỉ bạn hãy cân nhắc vào việc đầu tư vào những trải nghiệm đáng giá. Điều này sẽ mang đến cho bạn những lợi ích lâu dài.
– Tạo ra những thay đổi tuần tự: một chiếc xe đắt tiền đòi hỏi một thợ sửa có tay nghề cao, giàu chuyên môn và một căn nhà lớn sẽ cần nhiều khoản để bảo trì. Đừng thay đổi đổi lối sống của bạn trong thời gian đầu. Hãy biết tận hưởng khiêm tốn và thoải mái hưởng thụ nó.
Bài viết sử dụng thông tin của Investopedia và Vietnambiz.
Xuân Hòa
You must log in to post a comment.