Chiến lược kinh doanh chênh lệch giá được thực hiện nhờ có sự chênh lệch giá của một tài sản nào đó ở hai thị trường. Nhờ đó các nhà đầu tư có thể thu được lợi mà không phải chịu rủi ro gì.
1. Kinh doanh chênh lệch giá là gì?
Kinh doanh chênh lệch giá (Arbitrage) hay còn được gọi là ác bít hay đảo hối.
Arbitrage là việc mua bán một tài sản để thu lời từ sự chênh lệch giá của tài sản đó so với các thị trường. Thông qua việc nhà giao dịch sẽ đồng thời mua ở thị trường có giá thấp và bán lại ở thị trường có giá cao, từ đó họ sẽ kiếm được lợi nhuận từ sự chênh lệch giá giữa hai thị trường.
Đây được coi là lợi nhuận phi rủi ro cho nhà đầu tư và các nhà giao dịch.
Trong thị trường chứng khoán, các nhà giao dịch thường cố gắng tận dụng các cơ hội chênh lệch giá để thu về lợi nhuận.
Tuy nhiên, chính quá trình này đã làm thay đổi điều kiện cung cầu trên hai thị trường theo hướng làm giảm sự khác biệt về giá cả ở các địa điểm khác nhau. Vì vậy, hoạt động đảo hối có tác dụng làm cho sự khác biệt giá cả giữa các thị trường không vượt quá mức chi phí giao dịch.
Đây là hình thức giao dịch đặc trưng của chứng chỉ quỹ ETF.
2. Ví dụ về kinh doanh chênh lệch giá
Giả sử cổ phiếu của công ty X được đang giao dịch ở mức 10 USD trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Trong khi đó, cùng lúc nó đang giao dịch với giá 10,05 USD trên thị trường chứng khoán Luân Đôn (LSE).
Lúc này nhà giao dịch có thể mua cổ phiếu trên NYSE và ngay lập tức bán cùng một cổ phiếu trên LSE, kiếm được lợi nhuận 0.05 USD mỗi cổ phiếu.
Nhà giao dịch có thể tiếp tục khai thác chênh lệch giá này cho đến khi các chuyên gia trên NYSE hết hàng tồn kho của Công ty X hoặc cho đến khi các chuyên gia trên NYSE hoặc LSE điều chỉnh giá của họ để xóa sạch cơ hội.
3. Nhược điểm của kinh doanh chênh lệch giá
Chiến lược kinh doanh chênh lệch giá này chỉ áp dụng phổ biến cho các nhà đầu tư tổ chức lớn và các quỹ phòng hộ. Nhờ khả năng giao dịch với khối lượng lớn, họ có thể bỏ túi hàng triệu USD tiền lãi chênh lệch ngay cả khi chênh lệch giữa hai giá là rất nhỏ.
Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân thường không có khoản tiền lớn cần thiết để tận dụng các cơ hội chênh lệch giá. Kèm theo đó phí giao dịch sẽ lấy đi hầu hết mọi khoản lợi nhuận mà một cá nhân có thể nhận được. Còn đối với các nhà đầu tư tổ chức thì không bị gánh nặng bởi những hạn chế tương tự.
Cơ hội cho kinh doanh chênh lệch giá trước đây thường là do sự chậm trễ trong quá trình điều chỉnh giá cả ở thời gian thực tại các thị trường khác nhau. Nhưng ngày nay, với công nghệ hiện đại đã làm giảm đi các cơ hội kinh doanh chênh lệch giá.
Bài viết sử dụng thông tin của Investopedia, Vietnambiz và Vietnamfinance
Hoài Xuân
You must log in to post a comment.