Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra và mang lại nhiều sự thay đổi cho nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là sự kết hợp giữa các lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Điều này mang lại giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và cả khách hàng. Nhiều lĩnh vực mới xuất hiện và đang làm mưa, bão trên thị trường kinh tế thế giới. Và nhân tố được điểm mặt ở bài viết lần này sẽ là Insurtech – Thế hệ F1 của Bảo hiểm và Công nghệ 4.0.
1. Khái niệm Insurtech
Được lấy cảm hứng từ sự kết hợp của thuật ngữ Fintech, Insurtech là sự kết hợp của “Insurance” (bảo hiểm) và “Technology” (công nghệ). Insurtech đề cập đến việc sử dụng các sáng tạo công nghệ để tận dụng các khoản tiết kiệm và hiệu quả từ mô hình ngành bảo hiểm hiện tại. Một số chuyên gia cho rằng có thể Insurtech xuất hiện khoảng đầu năm 2016, tại một số hội thảo về công nghệ bảo hiểm tại New York, Mỹ.

Có thể nói Insurtech là đứa con đẻ mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đem đến cho ngành bảo hiểm. Đây là sự kết hợp của: dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) – trọng tâm hiện nay của công nghệ bảo hiểm. Thông qua phân tích các dữ liệu lớn về nhân khẩu học, hành vi tiêu dùng, hệ sinh thái xã hội, dữ liệu y tế và sinh trắc học… sẽ tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ các sáng kiến dọc theo ngành bảo hiểm từ tiếp thị đến phân phối, quản lý rủi ro, tạo ra sản phẩm, định giá, dịch vụ khách hàng đến văn phòng.
Với sự kết hợp của các nhân tố thú vị này, Insurtech không chỉ thu hút quan tâm của các công ty bảo hiểm, mà còn của các đơn vị khác trong ngành tài chính, ngân hàng số và các tập đoàn công nghệ, viễn thông và các nhà đầu từ từ trong nước đến quốc tế.
2. Phân loại Insurtech
Trên góc nhìn về bảo hiểm nói chung và Insurtech nói riêng, ở nhiều góc độ sẽ phân loại bảo hiểm theo các hình thức khác nhau.
a. Phân loại theo nhóm khách hàng: B2C và B2B
Có thể chia ra thành hai nhóm khách hàng của Insurtech: cá nhân (B2C) và doanh nghiệp (B2B).
B2C: Khách hàng gặp phải vấn đề trong quá trình tìm kiếm, sử dụng dịch vụ bảo hiểm và xử lý các yêu cầu bồi thường các nghiệp vụ này phải xử lý các thủ tục và giấy tờ rườm rà và phải thông qua các đại lý bảo hiểm.
Giải pháp của Insurtech cho cá nhân là:
- Mua bảo hiểm nhanh chóng, dễ dàng không cần thông qua đại lý vì đã có công nghệ hỗ trợ.
- Dựa trên dữ liệu được truy xuất từ thiết bị của khách hàng, phía công ty bảo hiểm sẽ tính phí bảo hiểm linh hoạt tùy theo hành vi của khách hàng.
- Khi khách hàng lo sợ về sự cố về mặt kỹ thuật của ứng dụng đã có Bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng (cyber- insurance).
=> Phí bảo hiểm thấp hơn vì khách hàng không phải mất phí qua các đại lý.
B2B: Doanh nghiệp gặp phải vấn đề: không có khả năng đánh giá đúng rủi ro, báo giá không đủ cao cho những người khác có mức độ rủi ro cao hơn, chi phí vận hành & kinh doanh liên tục tăng.
Giải pháp của Insurtech cho doanh nghiệp là:
- Công nghệ 4.0 giúp cải thiện các quy trình nội bộ của các công ty bảo hiểm.
- Phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo giúp việc vận hành hiệu quả hơn, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
- Bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng (cyber- insurance) cung cấp giải pháp cho các công ty bảo hiểm muốn cung cấp bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng (*một dạng tái bảo hiểm).
=> Tạo bước đột phá và phát triển nhanh chóng cho doanh nghiệp.
b. Phân loại Insurtech dưới góc nhìn của các nhà đầu tư.
Dựa theo hai chỉ số lớn là tuổi đời của các Insurtech và quy mô được đầu tư, Venture Scanner chia Insurtech thành 14 danh mục.

c. Phân loại theo các nhóm dịch vụ bảo hiểm truyền thống.
Theo Geektime InsurTech Report (05/2017), các Insurtech được phân loại như sau:

Ngoài ra Greektime cũng đưa thêm các danh mục khác mà danh mục truyền thống chưa có:
- Điện toán đám mây (cloud, Saas).
- Phần mềm bảo hiểm.
- Bitcoin và Blockchain.
- Bảo hiểm P2P (peer-to-peer) .
- Bảo hiểm SMB
3. Insurtech tại Việt Nam.
a. Tình hình các công ty bảo hiểm công nghệ VN:
Làn sóng Insurtech đang bùng nổ mạnh mẽ trên toàn cầu với khối lượng tài trợ toàn cầu từ chỉ 140 triệu USD năm 2011 lên khoảng 1,7 tỷ USD vào năm 2016. Điều này không chỉ diễn ra ở các quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Canada mà còn phát triển mạnh tại các quốc gia mới nổi như: Trung Quốc và Ấn Độ. Với sự bùng nổ của công nghệ số và xu thế toàn cầu hóa, Insurtech sẽ lan tỏa khắp toàn cầu và thị trường bảo hiểm Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó nếu không muốn tụt hậu.
Xu hướng công nghệ được thúc đẩy bởi mức độ tăng trưởng ở các quốc gia châu Á đây là nơi tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua. Tại Việt Nam, thị trường Insurtech cũng đang bùng nổ với nhiều công ty startup được thành lập. Một số công ty điển hình như Inso, App bảo hiểm, Papaya, Miin, Opes…
Tuy nhiên, dù số lượng khá nhiều nhưng các công ty này chưa tạo ra sự khác biệt nào trên thị trường do một số yếu tố tác động.
- Một là, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen mua bảo hiểm một cách chủ động, đừng nói là mua bảo hiểm online.
- Hai là, những công ty bảo hiểm tại Việt Nam chưa xây dựng được những sản phẩm bảo hiểm thật sự khác biệt, phù hợp với đặc thù rất riêng của bảo hiểm trực tuyến.
Năm 2019, với sự góp mặt của 4 đại diện trong lĩnh vực này và đến nửa đầu 2020 đã có thêm 3 gương mặt mới gia nhập “đường đua” Insurtech là: LIAN app, Shio và Miin. Với sự phát triển của công nghệ 4.0 hiện nay, thị trường Insurtech đang và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai không chỉ ở Việt Nam.

b. Cơ hội và thách thức của Insurtech tại Việt Nam:
Cơ hội:
- Đầu tiên là việc nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Một số doanh nghiệp chú trọng số hóa toàn bộ quy trình, giao dịch không dùng giấy tờ như AIA, FWD… Trí tuệ nhân tạo, robot thay thế con người một số công đoạn, vị trí công việc.
- Thứ hai là nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Doanh nghiệp có thêm nhiều công cụ nghiên cứu thị trường, đánh giá thị trường, tìm hiểu đúng nhu cầu của khách hàng.
- Thứ ba, Insurtech giúp cải thiện tốc độ trả lời khiếu nại, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, như Manulife với trang web Easy Claims, Generali với Gen Claims… với tốc độ xử lý công việc tính bằng đơn vị phút, giây.
- Thứ tư, thêm kênh phân phối như kênh online, ứng dụng smartphone…, hay cơ hội hợp tác chéo.
- Thứ năm, Insurtech cũng mở ra các cơ hội cho các startup. Không chỉ các quỹ đầu tư tại Việt Nam, mà nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến thị trường Insurtech Việt Nam.
Thách thức:
- Thứ nhất là vấn đề an ninh mạng, càng phụ thuộc vào mạng thì rủi ro càng cao, vấn đề sập hệ thống, vấn đề hacker dữ liệu… Vậy nên, các nền tảng online cần được thắt chặt an ninh mạng để nâng cao độ bảo mật thông tin.
- Thứ hai, một số người có thể lợi dụng công nghệ để lừa các doanh nghiệp bảo hiểm.
- Thứ ba, chi phí đầu tư lớn cho công nghệ nhưng làm thế nào để thu hồi vốn.
- Thứ tư, vấn đề xung đột quyền lợi trong hệ thống, giải bài toán tâm lý cho nhân viên, cho kênh truyền thống (đại lý) như thế nào.
- Thứ năm, nhà nước có các quy định chặt chẽ cho ngành bảo hiểm nói chung vậy nên chưa bắt kịp tốc độ chuyển đổi của Insurtech. Insurtech chưa có các quy định, hướng dẫn sẽ là rủi ro rất lớn.
4. Kết luận
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính – Bảo hiểm, thiết kế các sản phẩm trực tuyến thực sự hấp dẫn người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ không phải là điều dễ dàng, vì bảo hiểm là một sản phẩm dịch vụ đặc biệt với nhiều quy định, ràng buộc chi tiết trong hợp đồng và thực sự là khái niệm không mấy hấp dẫn từ trước đến nay đối với người tiêu dùng.
Các startup Insurtech Việt Nam chỉ mới “manh nha” hình thành, nhưng những công ty này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các quỹ đầu tư. Không chỉ các quỹ đầu tư tại Việt Nam, mà nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến thị trường Insurtech Việt Nam.
Họ đánh giá rằng, thị trường này giống như “con gà ngủ quên”, chỉ cần biết cách “đánh thức” sẽ trở thành những con gà đẻ trứng vàng. Tuy nhiên đường đi còn dài, chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì, các doanh nghiệp còn phải đổi mới và nỗ lực nhiều hơn nữa để khẳng định vị thế của mình trong thị trường này.
Mặc dù các nhà khởi nghiệp trẻ đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm, tuy nhiên các quy định vẫn là rào cản đối với các công ty khởi nghiệp muốn đột phá trong ngành bảo hiểm. Vì văn hóa kinh doanh bảo hiểm nổi tiếng là né tránh rủi ro, trái ngược với các phương thức linh hoạt và đột phá của các công ty khởi nghiệp
Một điều chắc chắn rằng, với xu thế và sự phát triển không ngừng của công nghệ 4.0 hiện nay, thị trường insurtech sẽ sớm bùng nổ, đặc biệt với sự trưởng thành của các thế hệ trẻ – những người đã tiếp xúc với công nghệ từ nhỏ thông qua các hoạt động sử dụng thiết bị công nghệ.
Bài viết tham khảo thông tin từ Tapchitaichinh.vn, Tinnhanhchungkhoan.vn và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Quyên Lê
You must log in to post a comment.