Quyết định số 345/QĐ-BTC, IFRS được áp dụng cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp Việt.
Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính (IFRS) được Bộ Tài Chính phê duyệt. Năm 2025, sẽ áp dụng bắt buộc áp dụng IFRS và cũng bắt đầu triển khai VFRS.
1. IFRS là gì?
IFRS là tên gọi viết tắt của cụm từ “International Financial Reporting Standards”. Dịch ra tiếng Việt là chuẩn mực báo cáo tài chính. Nó gồm các chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Board – IASB). Với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để báo cáo tài chính có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới.
2. IFRS áp dụng tại Việt Nam:
Theo thống kê, có đến 166 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng IFRS vào các báo cáo tài chính. Và 144 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu sử dụng cho toàn bộ hoặc hầu hết các công ty đại chúng (tính đến 8/2018).
Như vậy, IFRS gần như được xem là hệ thống kế toán chung của quốc tế, nhưng chưa được sử dụng ở Việt Nam (tính đến ngày 18/3/2020). Điều này vô hình chung khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại rót tiền vào các doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung vì vẫn còn nghi vấn về tính minh bạch.

Tuy nhiên, theo quyết định số 345/QĐ-BTC, đề án áp dụng IFRS đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt ngày 19/03/2020.
Mục tiêu áp dụng IFRS bao gồm là:
- Với mục đích nhằm nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với người sử dụng báo cáo tài chính, BTC đã xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng IFRS cho từng nhóm đối tượng xác định cụ thể.
- Dựa theo những nguyên tắc của VAS và tiếp thu thông lệ quốc tế để ban hành và tổ chức thực hiện VFRS. Đặc biệt phải đảm bảo phù hợp với đặc thù kinh tế và nhu cầu của doanh nghiệp tại Việt Nam, khả thi trong quá trình thực hiện.
Đối tượng của đề án là:
Các doanh nghiệp có nhu cầu và có đủ khả năng, nguồn lực áp dụng IFRS này, được xác định theo từng giai đoạn phù hợp với lộ trình được công bố; các doanh nghiệp khác thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam sẽ áp dụng VFRS.
* VFRS bao gồm các chuẩn mực báo cáo tài chính được ban hành mới và thay thế cho các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hiện nay.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ như các đơn vị có các hoạt động phối hợp nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) cũng là đối tượng của đề án này.
Đối với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ không có nhu cầu và điều kiện áp dụng IFRS hoặc VFRS sẽ không phải thi hành đề án này.
Lộ trình:
a. Giai đoạn chuẩn bị (từ 2020 đến 2021)
b. Giai đoạn áp dụng tự nguyện ( từ 2022 đến 2025)
c. Giai đoạn áp dụng bắt buộc (sau năm 2025)
Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. IFRS đem lợi ích tổng thể, cải thiện được báo cáo tài chính, tăng tính minh bạch, thống nhất vì có thể so sánh trên toàn thế giới… Ngoài ra, vấn đề huy động vốn toàn cầu chắc chắn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để đạt được các lợi ích này, doanh nghiệp Việt phải trải qua nhiều thách thức. Đặc biệt là trong chuyển đổi quá trình quản trị doanh nghiệp.
Thanh Nhị
You must log in to post a comment.