Trên thị trường chứng khoán phái sinh hiện nay, hợp đồng tương lai là một công cụ tài chính được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vậy Hợp đồng tương lai là gì? Nó có những ưu – nhược điểm ra sao?
I. Khái niệm hợp đồng tương lai
– Hợp đồng tương lai là một công cụ tài chính trên thị trường phái sinh. Đây là thỏa thuận giữa bên mua và bên bán về một giao dịch sẽ diễn ra trong tương lai. Tuy nhiên mức giá giao dịch lại được xác định ở hiện tại – thời điểm ký kết hợp đồng.
II. Ưu điểm của hợp đồng tương lai
Loại sản phẩm này có 5 ưu điểm chính.
1. Cho phép giao dịch T0
– Với sản phẩm chứng khoán thông thường, người mua phải mất 3 ngày chứng khoán mới về tài khoản. Còn đối với hợp đồng tương lai, nhà đầu tư được phép giao dịch ngay trong ngày giao dịch T0. Có nghĩa là sau khi đã mua/ bán cổ phiếu, nhà đầu tư có thể bán/ mua một lượng tương đương ngay trong ngày giao dịch.
2. Cơ hội sinh lời
– Sản phẩm này cho phép nhà đầu tư quản lý rủi ro biến động giá một cách hiệu quả. Khi thị trường đi xuống, bằng cách bán hợp đồng tương lai, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu trên thị trường cơ sở có thể hạn chế thua lỗ.
– Nhà đầu tư còn có thể sử dụng công cụ này để kiếm lời dựa vào sự chênh lệch giữa giá mua – giá bán trên thị trường. Cụ thể, khi giá hợp đồng tương lai cao hơn giá tài sản cơ sở của hợp đồng, nhà đầu tư sẽ có lãi từ chênh lệch giá.
3. Không mất phí vay Margin
– Khi mở vị thế giao dịch hợp đồng tương lai, nhà đầu tư chỉ phải trả một khoản phí nhỏ lúc ban đầu. Ngoài ra, không phải chịu bất cứ khoản lãi vay nào phát sinh từ số dư ký quỹ trong tài khoản của mình.
4. Đòn bẩy cao
– Chỉ với số tiền ký quỹ lúc ban đầu, giao dịch hợp đồng tương lai có thể mang lại cho nhà đầu tư một mức lợi nhuận hấp dẫn.

– Ví dụ minh hoạ:
+ Ông A tham gia vị thế mua và mua hợp đồng tương lai chỉ số VN30 với giá 1.000 điểm. Với hệ số nhân 100.000 đồng/điểm, giá trị hợp đồng là 100.000.000 đồng. Tuy nhiên, ông A chỉ cần ký quỹ 15% (tương đương 15.000.000 đồng) là đã có thể giao dịch với hợp đồng này.
+ Khi giá hợp đồng tăng lên, từ 1.000 điểm lên 1.005 điểm, ông A có được mức lãi là 500.000 đồng. Giá trị ký quỹ lúc này là 15.500.000 đồng. Lợi nhuận lúc này là: (1005 – 1000)/1000 x 15% = 33,3%
=> Dễ dàng thấy được, với đòn bẩy của hợp đồng tương lai, mức lợi nhuận là hết sức ấn tượng.
5. Tính thanh khoản cao
– Hợp đồng tương lai đã được niêm yết, chuẩn hoá và giao dịch tập trung trên cơ sở giao dịch chứng khoán. Chính vì vậy nên người mua và người bán đều tập trung. Điều này giúp tạo nên khả năng thanh khoản cao cho sản phẩm này.
– Bên cạnh đó, các điều khoản của hợp đồng giúp nhà đầu tư biết rõ ràng rằng họ có thể mua/ bán cổ phiếu gì, vào thời điểm nào và giao dịch đó sẽ được thực hiện ra sao. Chính điều này giúp tăng tính minh bạch và thanh khoản của thị trường.
III. Nhược điểm của hợp đồng tương lai
Hợp đồng tương lai cũng có một số nhược điểm nhất định mà nhà đầu tư cần lưu ý:
1. Chuẩn bị kiến thức khi đầu tư
– Phù hợp với những nhà đầu tư có nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, nắm bắt thông tin thị trường thông qua xem bảng điện và biểu đồ.
2. Nguy cơ thua lỗ nếu dự đoán sai
– Hiệu ứng đòn bẩy chỉ sinh lời khi nhà đầu tư dự đoán đúng. Nếu ở chiều hướng ngược lại, thua lỗ sẽ xuất hiện. Và có thể, mức độ thua lỗ sẽ rất lớn do tác động đòn bẩy. Tóm lại, hiệu ứng đòn bẩy có tính hai mặt.
Tổng hợp từ CTCP CK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; CTCP CK Thành phố Hồ Chí Minh.
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.