I. Hợp đồng chênh lệch (CFD) là gì?
Hợp đồng chênh lệch hay còn là CFD – Contract for Difference. Đây là thỏa thuận giữa người mua và người bán về vấn đề chênh lệch giá của một sản phẩm, cho phép các nhà giao dịch tìm kiếm lợi nhuận từ sự biến động giá thông qua các sàn giao dịch.
Nghĩa là khi hợp đồng đáo hạn hoặc khi bên ký kết quyết định đóng vị trí, người bán sẽ trả cho người mua mức chênh lệch giữa giá hiện tại và giá khi mở vị trí, nếu giá của tài sản cụ thể tăng lên. Hoặc ngược lại, nếu mức chênh lệch giữa giá hiện tại và giá ban đầu bị âm, thì người mua phải trả mức chênh lệch cho người bán.
CFD là một sản phẩm tồn tại trong thị trường chứng khoán phái sinh.
II. Ưu điểm và nhược điểm của hợp đồng chênh lệch
1. Ưu điểm
– CFD cung cấp cho nhà giao dịch tất cả lợi ích và rủi ro của việc sở hữu chứng khoán. Mặc dù họ không thực sự sở hữu nó và không phải thực hiện bất kì hoạt động giao tài sản bằng hiện vật.
– CFD được giao dịch dựa vào ký quỹ. Tỷ lệ yêu cầu ký quỹ trên thị trường CFD dao động từ 2% tới 20%. Yêu cầu ký quỹ thấp hơn đồng nghĩa với chi phí vốn ít hơn và lợi nhuận tiềm năng của người giao dịch lớn hơn.
– Thông thường, thị trường CFD có ít quy tắc và quy định hơn so với các sàn giao dịch tiêu chuẩn.
– Do CFD phản ánh các hoạt động của công ty đang diễn ra, chủ sở hữu CFD có thể nhận cổ tức bằng tiền mặt làm tăng lợi nhuận đầu tư của nhà giao dịch.
– Thị trường CFD cho phép các nhà đầu tư dễ dàng tham gia vị thế mua và thị trường này không có các quy tắc về việc bán khống.
– Ngoài ra, CFD không có phí giao dịch hoặc phí rất thấp.
2. Nhược điểm
– Nếu tài sản cơ sở biến động mạnh, sự chênh lệch giá mà nhà môi giới mua vào và bán ra sẽ đáng kể. Việc nhà đầu tư trả một khoản chênh lệch lớn cho việc vào và thoát vị thế sẽ ngăn chặn việc kiếm lợi nhuận từ những biến động nhỏ. Khi đó, số lượng các giao dịch thắng sẽ giảm đi còn giao dịch lỗ sẽ tăng lên.
– CFD không được kiểm soát chặt chẽ, không được phép giao dịch ở Mỹ và các nhà giao dịch thường dựa vào uy tín và khả năng tài chính của nhà môi giới.
– Đòn bẩy tài chính quá cao là một trong những nguyên nhân gây thua lỗ và các nhà giao dịch có nguy cơ mất 100% khoản đầu tư của họ.

III. Những điểm đáng lưu ý đối với hợp đồng chênh lệch
Hợp đồng chênh lệch CFD được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC) thông qua mạng lưới các nhà môi giới. Hay nói cách khác, CFD không được giao dịch trên các sàn giao dịch lớn như sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) mà chỉ là giao dịch giữa khách hàng và nhà môi giới.
CFD có rủi ro rất cao, nhà đầu tư có thể mất một khoản hoặc tất cả vốn đầu tư trong thời gian ngắn. Do đó, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia vào thị trường này.
Bài viết sử dụng thông tin từ Tinnhanhcungkhoan.vn, Vietnambiz
Xuân Hòa
You must log in to post a comment.