Tháng 3/2020 lại là một tháng đầy khó khăn và biến động đối với thị trường chứng khoán toàn cầu với những diễn biến không mấy khả quan. Hàng loạt chỉ số chứng khoán lớn như S&P 500, Dow Jones và Nasdaq tăng lên rồi lại lao dốc thảm hại. Trước tình hình này, mối nghi ngờ đối với các giao dịch bằng thuật toán với tốc độ cao (HFT) ngày càng tăng cao.
1. HFT là gì?
HFT (High-Frequency Trading), còn được gọi là Giao dịch tần số cao, là một phương pháp giao dịch sử dụng những chương trình máy tính để thực hiện một lượng lớn giao dịch chỉ trong khoảng một phần nghìn giây. Những thuật toán phức tạp được chương trình máy tính sử dụng để phân tích nhiều thị trường một lúc. Các đơn đặt hàng được thực hiện dựa trên tập điều kiện gắn sẵn.
Đặc trưng lớn nhất của giao dịch HFT là tốc độ cực cao cũng như tần suất giao dịch liên tục. Điều này giúp rút ngắn triệt để thời gian nắm giữ chứng khoán. Giao dịch này hoạt động theo tôn chỉ “tích tiểu thành đại”, một lối đầu tư rất khác biệt so với chiến lược truyền thống – mua và nắm giữ trong thời gian khá dài. Với những ưu điểm của mình, nó được các quỹ đầu tư cũng như nhà đầu tư tổ chức rất ưa chuộng,
Trong năm 2019, Ngân hàng J.P Morgan thông báo rằng họ đang triển khai việc áp dụng thêm phương pháp machine learning để phát huy tối đa ưu điểm của các giao dịch HFT. Từ đó, công cụ này được sử dụng tại sàn giao dịch ngoại hối với khối lượng giao dịch lên tới 6,6 nghìn tỷ USD/ngày.
2. HFT có phải là “kẻ tội đồ”?
Nhiều ưu điểm là thế nhưng HFT cũng nhận về mình những chỉ trích. Vì giao dịch này có thể sẽ gây ra những biến động khó lường trên thị trường. Điều này được cho là đến từ những quyết định chỉ trong khoảng một phần nghìn giây . Đây cũng là cách mà giao dịch này khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao đao với sự kiện “Sụp đổ chớp nhoáng” (Flash Crash) năm 2010.
Đối với giao dịch thông thường, giao dịch HFT là công cụ hữu ích trong việc bổ sung thanh khoản nhanh chóng. Từ đó nó giúp nâng cao sự ổn định của giao dịch.
Ở góc nhìn khác, khi thị trường gặp biến động và xuống dốc, các giao dịch HFT được cho là có khả năng làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của đà giảm, điều này dẫn đến tâm lý hoảng loạn khó kiểm soát trong giới đầu tư.

Theo Business Insider, tình trạng thị trường chứng khoán thay đổi thất thường trong thời gian gần đây là hậu quả từ việc sử dụng giao dịch HFT. Cũng với quan điểm tương tự, CEO Công ty Chứng khoán Nhật Bản – ông Tsuyoshi Ima cho rằng: thị trường bị đẩy vào đà sụt giảm nghiêm trọng chủ yếu là do các thuật toán đã được lập trình để phản ứng trước các tin tức, sự kiện mang tính tiêu cực.
Bài viết tham khảo thông tin từ Tạp chí Tài chính.
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.