Giá lương thực trên thế giới đang trên đà tăng. Tại châu Á, giá gạo, lương thực chính đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Nguyên nhân chính được xác định là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong khi các nước nhập khẩu đang tăng dự trữ gạo, các nước xuất khẩu lại hạn chế bán ra.
1. Giá gạo tăng cao nhất trong vòng 7 năm
– Theo số liệu từ Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo đang tăng lên rất cao. Cụ thể, giá gạo trắng 5% tấm đã tăng 12% từ ngày 25-3 đến 1-4. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 4-2013.
– Theo CNBC, châu Á sản xuất đến 90% lượng gạo tiêu thụ của thế giới. Giá gạo tăng được cho là do các nước xuất khẩu gạo lớn đều cân nhắc xuất khẩu có kiểm soát loại lương thực này. Ví dụ như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan,… Việc này xuất phát từ lo ngại thiếu nguồn cung trong nước trước diễn biến phức tạp của COVID-19.
– Nửa cuối tháng 03/2020 vừa qua, giá lúa mì đã tăng khoảng 15% do tâm lý mua sắm hoảng loạn của khách hàng tại các nước đang có lệnh phong tỏa như Bắc Mỹ, châu Âu.
– Giá lương thực thế giới trong đại dịch tăng cao, tuy nhiên nguồn cung lại hạn chế. Ngoài nguyên nhân xuất phát từ việc hạn chế xuất khẩu của các nước, thì thiếu nguồn lao động cũng là vấn đề lớn.
2. Khó khăn lớn từ nguồn lao động
– Theo Reuters, các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đã ngừng ký hợp đồng mới. Nguyên nhân đưa ra là do thiếu lao động và sự gián đoạn về hậu cần. Việt Nam cũng đang hạn chế lượng gạo xuất khẩu so với trước.

– Trên thực tế, giá gạo tăng từ cuối năm 2019 do Thái Lan xảy ra hạn hán nghiêm trọng. Ngày 06/04 vừa qua, Hiệp hội xuất khẩu gạo nước này thông báo Thái Lan vẫn có trữ lượng gạo dồi dào. Tuy nhiêp Hiệp hội cũng cho biết họ gặp khó khăn với việc tuyển lao động. Lý do là vì dịch COVID-19 và người lao động Campuchia ở nước này đã trở về nước.
– Đồng thời, các nước Bắc Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc cũng đang gặp tình trạng thiếu lao động. Điều này khiến chuỗi cung ứng cho vụ xuân bị gián đoạn. Nếu bỏ lỡ thời điểm gieo trồng này thì nguy cơ bỏ lỡ vụ mùa cả năm là rất lớn. Ở Ấn Độ và Nam Á, các nông trại cũng đang thiếu lao động trong các khâu vận hành máy móc, khiêng vác, vận chuyển nông sản trong thời điểm thu hoạch nông sản vụ đông.
– Hội đồng Ngũ cốc quốc tế đưa ra cảnh báo về sự thiếu hụt của hậu cần do các biện pháp hạn chế đi lại do dịch bệnh hiện nay. Hơn thế nữa, theo CNBC, trong giai đoạn này, giá lúa mì và một số loại lương thực cơ bản để làm mì ống, bánh mì cũng tăng lên.
Tham khảo thông tin trên Tuổi trẻ Online.
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.