Thị trường nhà cho thuê ế ẩm đã diễn ra từ năm 2019 và kéo dài đến hiện tại. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19 đã làm cho thị trường nhà cho thuê đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lâu dài.
1. Thực trạng chung của thị trường nhà cho thuê
Bên cạnh việc bùng nổ nguồn cung cho thuê gây áp lực cạnh tranh lớn, Covid-19 cũng khiến phân khúc này mất lượng lớn khách ngoại. Cộng vào đó là áp lực tài chính khiến không ít khách thuê cũ không thể duy trì hoạt động cho thuê, phải trả nhà hay tìm kiếm những sản phẩm có giá cho thuê thấp hơn.
Ông Trần Hoài Linh – CEO VNO Group cho rằng, thị trường nhà cho thuê đang chịu tác động tiêu cực từ dịch với hai biểu hiện cụ thể là giảm giá và ế khách. Các căn hộ cho thuê từ vùng giá 15 triệu đồng/tháng trở lên bắt đầu rơi vào nhóm mất khách. Căn hộ cao cấp cho thuê với giá cả nghìn USD/tháng nguy cơ bỏ trống cao, thuộc dạng nguy hiểm nhiều hơn so với căn hộ bình dân. Nhà phố cũng chịu áp lực giảm giá thuê mạnh do nhu cầu bị sụt giảm.
Theo khảo sát của VNO Group, nguồn cầu nhà ở cao cấp đang xuống thấp do các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam. Bên cạnh đó, ngân sách thuê nhà ở cho các lãnh đạo cấp cao cũng bị thu hẹp dần nhằm vượt qua khó khăn mùa dịch. Phần lớn khả năng các khách thuê sẽ trả lại nhà thuê giá cao để tìm nhà giá thấp hơn nhằm tiết kiệm chi phí và giảm áp lực tài chính.
Ông Linh chia sẻ, tất cả các phân khúc nhà ở cho thuê đang điều chỉnh xuống mặt bằng giá mới thấp hơn 20-35% tùy thuộc vào vị trí so với năm 2019. Đây là chu kỳ giảm giá nhanh và mạnh nhất của bất động sản cho thuê trong vòng một thập niên qua.

2. Tình trạng vắng khách
Dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 khiến sinh viên và người mới ra trường đi làm về quê không thuê nữa. Dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người lao động giảm nên họ tìm nhà thuê với giá thấp hơn thay vì các căn hộ đắt tiền. Điều này làm cho nhiều chủ nhà đổ một đống tiền, thậm chí vay ngân hàng để xây dựng khổ sở vì nhà bỏ trống không khách thuê và đối mặt với khoản nợ khổng lồ.
Trước kia, để tìm thuê căn hộ ở các khu như Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền hay các quận Trung tâm là rất khó do cung hạn chế. Nhưng hiện nay muốn thuê căn hộ diện tích nào cũng có, cũ mới đều nhiều lựa chọn. Các dự án mới có nhiều tiện ích hơn, chất lượng cũng tốt và đặc biệt thiết kế ngày càng đẹp trong khi mức giá phải chăng. Điều này tạo áp lực buộc các dự án cũ phải điều chỉnh giá thuê để cạnh tranh.
3. Ví dụ thực tế
Đến với câu chuyện của anh Minh Anh: anh có khu nhà trọ 6 tầng tại ngõ 112 Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Tôi có mảnh đất 100m2 nên quyết định xây nhà 6 tầng với 15 phòng. Gia đình tôi ở 2 phòng còn lại cho thuê hết bắt đầu từ cuối năm 2019. Chi phí xây nhà có thang máy và thiết bị nội thất đầy đủ các phòng lên tới 5 tỷ đồng, vay ngân hàng 2 tỷ đồng”.
Theo anh Minh Anh, mỗi tháng anh thu được 60 triệu tiền phòng chưa kể điện nước nếu khách thuê kín. “Nhưng từ đầu năm đến nay vướng dịch, khách trả phòng liên tục. Hiện nay số phòng trống chiếm gần một nửa trong khi treo biển mấy tháng không có khách hỏi thuê. Cứ thế này tiền phòng cho thuê không đủ tôi trả lãi ngân hàng”, anh Minh Anh nói.
4. Lời kết
Áp lực cạnh tranh tiếp tục gia tăng cùng với diễn biến dịch bệnh phức tạp báo hiệu một năm khó khăn cho thị trường căn hộ cho thuê. Với nhà đầu tư căn hộ, nhà trọ cho thuê không dựa vào đòn bẩy tài chính có thể vượt qua khó khăn nhưng với những ai đang chịu áp lực từ vay vốn ngân hàng, nên tính toán lại bài toán kinh doanh vì tình hình khó có thể khởi sắc trong ngắn hạn.
>>> Xem thêm: 25 năm chặng đường thăng trầm của Bất động sản Việt
Bài viết sử dụng thông tin của CafeF và Kinhtechungkhoan.vn
Hoài Xuân
You must log in to post a comment.