Đường trung bình cộng (đường MA – Moving Average) là một thuật ngữ quen thuộc trong phân tích chứng khoán. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về thuật ngữ này qua bài viết sau đây.
I. Khái niệm đường trung bình động.
– Đường trung bình động được gọi tắt là đường MA (Moving Average). Nó là một chỉ báo xu hướng, được xác định bằng giá trị trung bình của giá chứng khoán trong một giai đoạn nhất định tính đến thời điểm tính toán chỉ số.
– Chỉ số này được xem là một chỉ báo đi sau. Vì nó được xác định dựa trên số liệu giá trong quá khứ. Cũng vì thế nên chỉ số này có một khoảng thời gian trễ nhất định. Độ trễ này càng lớn khi số phiên được chọn để tính càng dài hạn. Ví dụ, một đường trung bình động tính theo phiên 100 ngày sẽ phản ứng chậm hơn với những thông tin mới của thị trường so với đường MA tính theo phiên 10 ngày.
II. Phân loại.
Có hai dạng đường MA được sử dụng phổ biến nhất:

1. Đường trung bình động giản đơn (SMA).
– Cách tính, giả sử:
SMA(t): giá trị trung bình động tại phiên t.
P(t): giá cổ phiếu tại phiên t.
n: số phiên tính trung bình động.
=> Giá trị của trung bình động đơn giản tại phiên t là:
SMA(t) = [P(t) + P(t – 1) + P(t – 2) + … + P(t – n + 1)] / n.
– Khi giao dịch, nhà đầu tư cho rằng dữ liệu càng mới thì càng có giá trị. Tuy nhiên, tất cả giá trị đầu vào trong công thức tính SMA đều có trọng số như nhau, dù chúng là giá trị cổ phiếu trong thời gian nào. Đây là điểm hạn chế của SMA.
2. Đường trung bình động hàm mũ (EMA).
– Cách tính, giả sử:
EMA(t): giá trị trung bình động hàm mũ tại phiên t.
P(t): giá cổ phiếu tại phiên t.
n: số phiên tính trung bình động.
=> Giá trị của trung bình hàm mũ tại phiên t là:
EMA(t) = {[P(t) – EMA(t – 1)] x M} + EMA(t – 1).
Với: hệ số M = 2 / (1 + n).
– Có thể nói đường EMA khắc phục được nhược điểm của đường SMA. EMA gán trọng số cho các giá trị đầu vào; đồng thời phản ứng nhanh hơn với các biến động giá. Vì vậy nên trong ngắn hạn, đường EMA được sử dụng nhiều hơn đường SMA.
III. Số phiên để tính đường trung bình động.
– Số phiên để tính chỉ số này càng lớn có nghĩa là dữ liệu phân tích được từ nó càng thể hiện trong dài hạn. Tuỳ vào chiến lược đầu tư mà nhà đầu tư lựa chọn số phiên phù hợp. Cụ thể:
Mục tiêu Độ dài của phiên
Rất ngắn hạn 5 – 10 ngày
Ngắn hạn 11 – 25 ngày
Trung hạn 25 – 100 ngày
Dài hạn 100 – 200 ngày
– Lưu ý:
+ Thông thường, số phiên sẽ bằng một nửa (½) số phiên trong một chu kỳ “lướt sóng” mà nhà đầu tư dự định đầu tư.
+ Nhà đầu tư nên sử dụng 2 trung bình động với 2 phiên khác nhau (một phiên ngắn hạn và một phiên dài hạn). Cả hai sẽ bổ trợ lẫn nhau, giúp phân tích của nhà đầu tư có tính bao quát và chính xác cao hơn.
Bài viết tham khảo thông tin từ TVSI, CTCP Chứng khoán TP. HCM.
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.