Cuộc chiến giữa Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, các doanh nghiệp đang đứng trong giai đoạn căng thẳng, đối diện với muôn vàng nhiều khó khăn.
Lĩnh vực ẩm thực và đồ uống (F&B) là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Do đó, gần như cùng lúc các doanh nghiệp F&B lớn như Starbucks, Golden Gate, The Coffee House… đều đồng loạt đẩy mạnh mô hình bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nơi nhằm ứng biến với tình hình dịch bệnh. Hiện trạng này là khó tránh khỏi, bởi thực tế nhiều doanh nghiệp đã không thể cầm cự nổi, các tác động kinh tế lên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành hàng khác nhau khiến nền kinh tế trở nên trì trệ.
1. Khi thuê mặt bằng trở thành gánh nặng quá lớn.
Cắt giảm và cắt giảm là phương châm mà các doanh nghiệp đang hướng tới trong thời kỳ khó khăn này. Việc cắt giảm các chi phí không cần thiết giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về tài chính, trong đó giá thuê mặt bằng là một vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp F&B.
Theo bà Patricia Marques, CEO Starbucks Việt Nam bày tỏ quan điểm trong 4 năm nay, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam đã cao hơn so với các nước trong khu vực như Singapore, Hồng Kông và Thái Lan. Ví dụ, giá thuê trên 1m2 tại các trung tâm thương mại lớn, có vị trí đắc địa tại thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cao hơn so với Singapore và Thái Lan mặc dù sức mua thấp hơn. Việc này gây sức ép khá lớn đến hầu hết các doanh nghiệp.
Do đó, ngay khi dịch bệnh xảy ra, Starbucks Việt Nam đã nhanh chóng liên hệ với tất cả các đơn vị đang cho công ty thuê mặt bằng cửa hàng để hỗ trợ giảm bớt tiền thuê mặt bằng như một phần kế hoạch duy trì kinh doanh trong thời gian sắp tới. Bà cũng cho biết, các chủ nhà cho thuê lẻ phản ứng khá nhanh với tình hình kinh doanh chung và đưa ra mức giảm giá cho thuê khá tốt.
Các chuyên gia F&B cũng đồng tình về việc chi phí mặt bằng là chi phí lớn nhất của chuỗi quán cà phê và nhà hàng. The Coffee House, chuỗi quán cà phê lớn thứ 2 cả nước, chi trung bình khoảng 100 triệu đồng/tháng để thuê một mặt bằng. Và được biết, khoảng 60% chủ mặt bằng đã đồng ý giảm giá thuê cho thương hiệu này sau khi dịch xảy ra. Tuy nhiên, theo yêu cầu đóng cửa hệ thống của Chính phủ thì doanh thu của chuỗi gần bằng 0, gây ảnh hưởng nặng nề đến việc vận hành.
2. Đặt hàng trực tuyến và giao hàng tại nhà: Phao cứu sinh của ngành F&B
Covid-19 là một biến cố lớn giúp các doanh nghiệp phải nhìn lại về cách ứng phó của doanh nghiệp mình trước các biến cố lớn xảy ra. Đòi hỏi các doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đổi mới, nhìn nhận lại hệ thống, mô hình và tái định vị mình.

Starbucks Việt Nam cho biết họ đã chủ động ứng phó với tình hình bằng cách thúc đẩy mảng đặt hàng trực tuyến và có được chuyển biến tốt. Cụ thể hơn: doanh thu từ mảng giao hàng tăng 45% so với tháng 1, tăng 53% với tháng 3.
The Coffee House cũng thực hiện đẩy mạnh việc quảng bá cho app gọi đồ của mình. CEO The Coffee House cho biết doanh thu đơn hàng từ mảng giao hàng tuần cuối tháng 3 đã tăng 30% so với tuần trước đó.
Để bắt kịp thị trường, chuỗi nhà hàng Golden Gate đã tung ra dịch vụ G – Delivery giao hàng tận nhà với các thương hiệu thuộc hệ thống. Ngoài ra, tập đoàn ẩm thực này còn giới thiệu platform ICook – “Restaurant At Home” – kênh bán hàng online và giao hàng tận nhà, với mục đích cung cấp các sản phẩm đồ ăn sơ chế được đóng gói của chuỗi nhà hàng thuộc Golden Gate như Sumo BBQ, Kichi Kichi, Ashima…
Qua đó có thể thấy được, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh thường không phải là chuyện một sớm một chiều, nhưng trong hình hình đối phó dịch bệnh thì có vẻ nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển sang kênh online và có được nhiều tín hiệu tốt.
Nguồn CafeF
Xuân Hòa
You must log in to post a comment.