Chuyện gì đã xảy ra trong 6 ngày “đen tối”?
Chuyện gì đã xảy ra trong 6 ngày “đen tối”?
Chứng khoán Mỹ mất đi 2.000 tỷ USD, con số này là 6.300 tỷ USD đối với chứng khoán thế giới.
Lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ liên tục xác lập những kỷ lục buồn.
Vàng, thiên đường trú ẩn an toàn, cũng đổ sụp.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều những diễn biến tồi tệ diễn ra từ ngày 08/03 đến 13/03, là thời điểm WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là Đại dịch toàn cầu.

1. SỰ LAO DỐC CỦA THỊ TRƯỜNG DẦU
Chủ nhật, ngày 8/3, đi vào lịch sử với cú sốc giá dầu. Ả rập Xê út phát đi phát súng đầu tiên. Khi OPEC không đạt được thỏa thuận trong việc cắt giảm sản lượng, Ả rập Xê út đã tuyên bố hạ giá dầu cùng với đó là tăng sản lượng. Từ đó buộc Nga phải nhượng bộ.
Những động thái trên đã kéo theo rất nhiều hệ luỵ:
- Sự tụt dốc không phanh của giá dầu trên toàn thế giới, việc này dẫn đến những cú sập liên tục trên thị trường chứng khoán.
- Dầu thô Brent giảm đến 20% giá trị khi bắt đầu phiên giao dịch và đến cuối phiên thì mất tới 31%. Kể từ sau chiến tranh Vùng Vịnh (năm 1991) đến nay, đây là lần giảm giá khốc liệt nhất.
- Khả năng tăng cao của lạm phát ngày càng rõ rệt hơn.
- Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Việc này dẫn đến hệ quả là sự giảm sút trong nhu cầu đối với dầu thô. Điều này khiến tác động từ cú sốc giá dầu càng tăng thêm.
2. CÚ NGẮT MẠCH CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN MỸ
Ngày 9/3, thị trường chứng khoán châu Á bị càn quét mạnh mẽ bởi những cú bán tháo, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục chuỗi sụt giảm liên tục, thị trường chứng khoán châu Âu rơi vào cú sập chưa từng có kể từ năm 2006.
Chỉ trong 4 phút, chứng khoán Mỹ bị thổi bay tới 7%, công cụ ngắt mạch thị trường trong 15 phút ngay lập tức được kích hoạt. Kể từ khi luật chứng khoán hiện hành của Mỹ có hiệu lực, đây là lần đầu tiên công cụ này được kích hoạt. Cùng với đó, chứng khoán và dầu cũng đều rơi vào chuỗi rớt giá thảm hại.
Nỗi lo sợ về một cuộc suy thoái mới đã bắt đầu xuất hiện trong giới đầu tư khi mà thế giới phải chứng kiến sự bùng phát khó kiểm soát của virus corona kết hợp với cú sập thảm hại của giá dầu. Nguy cơ gia tăng của khủng hoảng tín dụng có thể thấy rõ hơn bao giờ hết. Chính vì thế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhanh chóng tuyên bố sẽ nâng số tiền mà họ có thể cung cấp cho thị trường.
3. CA PHỤC HỒI BẤT NGỜ
Ngày 10/3, sự lạc quan bất ngờ quay trở lại: sự tăng mạnh của S&P 500, tại châu Âu giá cổ phiếu cũng phục hồi. Dầu thô ngừng chuỗi giảm giá liên tục và quay đầu tăng giá với mức 8,3%.
Những diễn biến trên thị trường ngoại hối là yếu tố có sức ảnh hưởng rất lớn đến thị trường vốn và kinh tế toàn cầu. Vào thời điểm này, đồng USD đã có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, trong cuộc họp ở Nhà Trắng về tình hình bùng phát dịch bệnh, ông Trump đã không xuất hiện. Điều này khiến cho chứng khoán tương lai của Mỹ lại giảm điểm khi các sàn chứng khoán châu Á bắt đầu giao dịch.
4. COVID-19 CHÍNH THỨC TRỞ THÀNH ĐẠI DỊCH THẾ GIỚI – TOÀN BỘ NỀN KINH TẾ CHAO ĐẢO
Ngày 11/3, mức độ lây lan của dịch bệnh tại các nước châu Âu tăng lên đột biến và dường như không thể kiểm soát được. Và việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu như là giọt nước tràn ly, khiến cho tin xấu bị đẩy lên tới đỉnh điểm.
Thị trường chứng khoán thế giới và giá dầu lại một lần nữa bị đẩy vào cơn lao dốc đầy khốc liệt. Trên thị trường tín dụng Mỹ, căng thẳng ngày càng được đẩy lên cao và trở nên tồi tệ hơn. Dow Jones chính thức rơi vào thị trường gấu là dấu chấm kết thúc cho chuỗi tăng kỷ lục chưa từng có trong lịch sử của thị trường chứng khoán Mỹ.
Trước bối cảnh những diễn biến tồi tệ của thị trường, vào cuối ngày, các nhà hoạch định chính sách đã lên tiếng công bố về kế hoạch tăng cường, cụ thể là bơm thanh khoản lên tới 50 tỷ USD trong thời gian tới.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngay lập tức tuyên bố cắt giảm lãi suất khẩn cấp. Tuy nhiên, quyết định này của FED cũng không thể nào ngăn cú sập của thị trường.
5. SỰ THẤT THỦ CỦA “THIÊN ĐƯỜNG TRÚ ẨN” AN TOÀN – VÀNG!
Ngày 12/3, châu Âu tiếp tục lao đao vì đại dịch.
Trong bối cảnh việc bán tháo liên tục tăng mạnh, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn quyết định tuyên bố giữ nguyên lãi suất. Sự kiện này đã trở thành một cú đánh knock-out thật sự đối với thị trường. Ta có thể thấy rõ điều này khi giá dầu giảm 20%; thị trường chứng kiến sự lao dốc và mất giá của vàng cùng hàng loạt tài sản khác. Bitcoin cũng không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng, việc mất giá liên tục đã kéo theo cú sập với thị trường tiền số.
Công cụ ngắt mạch thị trường lại thêm một lần nữa được kích hoạt – lần thứ 2 trong tuần. Kết quả là vào cuối phiên giao dịch, S&P 500 giảm 9,5%. Từ sau ngày Thứ 2 đen tối năm 1987, đây là mức giảm tồi tệ nhất.
6. CÚ CHUYỂN MÌNH PHÚT CHÓT VÀO THỨ 6 NGÀY 13
Trước những tổn thất nặng nề và không có dấu hiệu ngừng lại của thị trường, chính phủ các nước đã chính thức có những động thái để ra tay cứu nền kinh tế. Trong đó, ngân hàng Trung ương Nhật Bản đi theo động thái của FED. Đức đưa ra cam kết rằng nước này sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ nền kinh tế. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu công bố rằng họ hoàn toàn sẵn sàng khuyến khích, “bật đèn xanh” cho các động thái kích thích tài chính. ECB lại thông báo họ sẵn sàng mua thêm nợ, kết hợp với việc đưa ra hoàn loạt hành động để tiến hành cấm tạm thời việc bán khống cổ phiếu.
Đúng vào lúc này, giá Stoxx Europe 600 tăng vọt; theo sau đó là sự tăng hiếm thấy của lợi suất trái phiếu và giá dầu. Không thể không kể đến S&P 500, loại chỉ số này tăng mạnh và đạt mức tăng tới 9,3%, cú tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2008. Cùng với đó, trái phiếu kho bạc và giá dầu cũng nằm trên đà tăng giá.
Trong 30 phút giao dịch cuối cùng: mức tăng thêm của chứng khoán đã đạt 6%; bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm tiệm cận mức 1% và giá dầu thì tăng 4,1%.
Đó là sự tạm kết cho 1 tuần đầy biến động.
Bài viết có tham khảo thông tin từ Trí thức trẻ.
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.