Chỉ số P/E và chỉ số EPS là hai chỉ số mà nhiều nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá một cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Vậy chỉ số P/E là gì? Mối liên hệ giữa hai chỉ số P/E và EPS như thế nào?
I. Chỉ số P/E là gì?
1. Khái niệm
Chỉ số P/E hay còn gọi là chỉ số giá trên thu nhập (Price to Earning Ratio), là chỉ số thể hiện mối quan hệ giữa giá cổ phiếu thị trường và lợi nhuận sau thuế trong một năm của một công ty. Đây là một trong những chỉ số quan trọng trong quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư. Bởi nó thường được các nhà đầu tư dùng để định giá cổ phiếu một công ty trên thị trường.
Chỉ số P/E có mối liên hệ đặc biệt với chỉ số EPS (Chỉ số thu nhập trên một cổ phần) trên thị trường chứng khoán.
2. Đặc điểm của chỉ số P/E trên thị trường chứng khoán
Đây là chỉ số khá thông dụng, được xem là một công cụ để nhà đầu tư xem xét nên mua hay không mua chứng khoán của một công ty. Chỉ số P/E trên thị trường chứng khoán có những đặc điểm cơ bản như sau:
– P/E thể hiện giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần. Nghĩa là nhà đầu tư phải trả bao nhiêu tiền cho một đồng thu nhập của công ty.
– Nếu chỉ số P/E cao nghĩa là giá mua cổ phiếu cao và ngược lại. Và chỉ số P/E cao cũng có nghĩa là nhà đầu tư đang kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai.
– Các công ty không có thu nhập hoặc doanh thu đang âm thì không có chỉ số P/E do không có chỉ số thu nhập trên một cổ phần.
II. Mối liên hệ giữa chỉ số P/E và chỉ số EPS trong chứng khoán
Chỉ số P/E và chỉ số EPS có mối liên hệ chặt chẽ khi định giá một cổ phiếu. Chỉ số EPS là thành phần cấu tạo nên P/E, đóng vai trò mẫu số trong công thức tính P/E.
Hệ số P/E đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường (Market Price) và thu nhập trên một cổ phần (Earning Per Share – EPS) và tính như sau:

Trong đó P là giá thị trường của cổ phiếu đang được mua bán ở thời điểm hiện tại. EPS là lợi nhuận trên một cổ phần chia cho các cổ đông trong năm tài chính gần nhất.
Do giá cổ phiếu luôn > 0, trong khi EPS của doanh nghiệp có thể > 0 (khi doanh nghiệp có lãi) hoặc < 0 (khi doanh nghiệp bị lỗ). Vì thế, nếu EPS > 0, nhà đầu tư có thể tính và định giá cổ phiếu theo chỉ số P/E.
Ngược lại, trong trường hợp EPS < 0, nhà đầu không thể định giá cổ phiếu theo P/E, mà có thể dùng chỉ số P/B để thay thế.
III. Lời kết
Chỉ số P/E khá hữu ích cho nhà đầu tư khi định giá cổ phiếu. Giả sử nhà đầu tư muốn mua một cổ phiếu , nhưng nó không giao dịch sôi động trên thị trường. Vậy nhà đầu tư làm sao có thể biết cổ phiếu đó có giá bao nhiêu là hợp lý? Khi ấy, nhà đầu tư chỉ cần nhìn vào chỉ số P/E được công bố đối với nhóm các loại cổ phiếu tương tự với cổ phiếu muốn mua. Sau đó nhân thu nhập của công ty với chỉ số P/E. Lúc này, nhà đầu tư sẽ biết được giá của loại cổ phiếu muốn mua. Từ đó, nhà đầu tư có thể có thêm phân tích để đưa ra quyết định đầu tư.
Bài viết có sử dụng thông tin từ Vnexpress, vietnambiz.vn
Kiều Anh
You must log in to post a comment.