Trong đầu tư, phân tích cơ bản doanh nghiệp đó là bước đi không thể thiếu của các nhà đầu tư trước khi ra quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó. Các nhà đầu tư sẽ tiến hành phân tích một doanh nghiệp dựa trên các chỉ số tài chính và một vài thước đo tài chính khác của doanh nghiệp. Trong đó, chỉ số EPS là khái niệm rất quan trọng trong phân tích cơ bản doanh nghiệp.
- Chỉ số EPS là gì?
Chỉ số EPS (Earning Per Share) là lợi nhuận (thu nhập) trên mỗi cổ phiếu hay lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu. Nói cách khác EPS là chỉ số thể hiện khả năng kiếm lời của doanh nghiệp.
EPS được xem là biến số quan trọng khi tính toán giá cổ phiếu và đóng vai trò quan trọng cấu thành nên hệ số P/E. Hệ số P/E đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường (Market Price – P) và thu nhập của mỗi cổ phiếu (Earning Per Share – EPS). Chỉ số EPS càng cao phản ánh năng lực của công ty càng mạnh, khả năng trả cổ tức cao và giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó cũng có xu hướng tăng cao.
- Tính EPS bằng cách nào?
EPS được tính bởi công thức:
EPS = (Thu nhập ròng – cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / số lượng cổ phiếu bình quân đang lưu thông.
Trong việc tính toán chỉ số EPS, sẽ chính xác hơn nếu sử dụng lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ để tính toán vì lượng cổ phiếu thường xuyên thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên trên thực tế để đơn giản hoá việc tính toán người ta thường sử dụng số cổ phiếu đang lưu hành vào thời điểm cuối kỳ.
- Có bao nhiêu loại chỉ số EPS?
Có 2 loại chỉ số EPS gồm: EPS cơ bản (Basic EPS) và EPS pha loãng (Diluted EPS)
EPS cơ bản (Basic EPS): lãi suất cơ bản trên một cổ phiếu, loại này phổ biến hơn và được tính theo công thức nêu trên.
EPS pha loãng (Diluted EPS): lãi suy giảm trên một cổ phiếu, loại này chính xác hơn và cần sự theo dõi vì các doanh nghiệp đôi khi phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu phát hành thêm, các quyền mua mà sau này được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong tương lai. Khi đó, chỉ số EPS của doanh nghiệp sẽ thay đổi, do số lượng cổ phiếu tăng lên đột biến mà không có thêm dòng tiền chảy vào. Lúc này các nhà đầu tư nếu chỉ quan tâm đến chỉ số EPS cơ bản mà bỏ qua yếu tố trên để dự đoán EPS tương lai thì rất dễ dẫn đến sai lầm.
Trước khi đầu tư bạn cần xem xét và hiểu rõ cách tính chỉ số của từng doanh nghiệp để đảm bảo “chất lượng” của tỉ lệ này. Tốt hơn hết là không nên dựa vào một thước đo tài chính duy nhất mà nên kết hợp với các bản phân tích tài chính và các chỉ số khác.
Bài tổng hợp từ Vnexpress, Cách chơi chứng khoán
Xuân Hòa from FinHome.TV Team
You must log in to post a comment.