Ẩm thực là một trong những niềm tự hào của người Việt Nam với nhiều món ăn ngon, độc đáo và đa dạng. Thế nhưng hiện nay, các hoạt động liên quan đến ẩm thực Việt hiện nay chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn lẻ, thiếu chiều sâu. Chính vì vậy, vấn đề về việc xây dựng thương hiệu cho ẩm thực Việt là một bài toán cần được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả và bền vững.
1. Thực trạng tại Việt Nam hiện nay
Tại Việt Nam, các thuật ngữ như thương mại ẩm thực (cuisine trade) hay công nghiệp nhà hàng (restaurant industry) còn khá xa lạ. Thế nhưng đó là hai trong số những xu hướng phát triển của các nhà hàng, khách sạn,.. trên thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế thưởng chỉ quan tâm đến âm nhạc, điện ảnh và gần như bỏ quên ẩm thực khi nhắc đến công nghiệp văn hóa. Điều này có vẻ là một thiếu sót lớn khi theo nghiên cứu Dining out as cultural trade của Đại học Minnesota công bố thì giá trị từ ngành kinh doanh ẩm thực mang lại nhiều gấp khoảng mười lần so với thị trường âm nhạc và điện ảnh.
Truyền thống ẩm thực cũng như thói quen ăn uống của người Việt luôn được đánh giá cao so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây là một ưu thế đối với chúng ta, đóng vai trò quyết định đối với ngành công nghiệp nhà hàng. Theo thông tin từ kênh truyền hình CNBC của Mỹ, người Việt dành cho ăn uống một khoản thu nhập đáng kể. Tuy nhiên xu hướng của người tiêu dùng lại nghiêng về các quán, tiệm ăn nhỏ cũng như các nhà hàng Việt. Chỉ 1% số tiền người Việt chi tiêu cho ăn uống là đổ vào các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh.
2. Vấn đề nan giải
Vấn đề nan giải là các thương hiệu nhà hàng Việt đình đám như Golden Gate, Redsun hầu như thiếu vắng các món ăn thuần Việt trong thực đơn. Trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam, từ các tập đoàn lớn cho đến những chuỗi nhà hàng quy mô nhỏ đều chọn cho mình hướng đi giống nhau. Đó là chú trọng đến hoạt động “nhập khẩu các giá trị ẩm thực quốc tế”. Ít doanh nghiệp nội địa thực sự quan tâm đến việc “làm ăn lớn” đối với ẩm thực Việt.

Các doanh nghiệp lớn và cả những quán ăn lâu đời trong nước hầu như chưa có ý thức trong hoạt động xây dựng, phát triển và vươn tầm thương hiệu. Ngoài bài toán về thương hiệu thì việc mở rộng hệ thống hay sang nhượng thương hiệu cũng là vấn đề gây đau đầu đới với họ. Trong những năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp thương mại ẩm thực vẫn bó hẹp hoạt động của mình với phạm vi trong nước. Các hoạt động vươn ra phạm vi thế giới vẫn chỉ ở mức độ thăm dò.
3. Giải pháp
Doanh nghiệp có thể làm tốt hơn nếu giải quyết tốt vấn đề về việc xây dựng các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị chất lượng. Đặc biệt là chuỗi cung ứng giữa nhà sản xuất thực phẩm và doanh nghiệp thương mại ẩm thực. Các chuỗi giá trị này vừa là giải pháp về đầu ra cho nông sản Việt vừa giúp nâng tầm thực phẩm Việt. Nếu chúng ta làm chủ được nguồn cung ứng thực phẩm từ trong nước thì sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cũng như kiểm soát tốt giá thành. Đó sẽ là cơ sở giúp ẩm thực Việt có thể vươn tầm ra thế giới một cách bền vững.
Thương mại ẩm thực, công nghiệp nhà hàng không chỉ là ngành kinh doanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống. Kinh doanh ẩm thực Việt Nam cần phải làm tốt hơn nữa để xứng đáng với tiềm năng và thế mạnh vốn có của mình.
Bài viết có tham khảo thông tin từ Báo Nhân dân điện tử.
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.