“Đại dịch” là một cụm từ ai nghe thấy cũng đều sợ hãi. Nỗi sợ toát lên không chỉ vì mầm mống bệnh tật mà còn những tổn thất trầm trọng của nền kinh tế.
Trước tình hình căng thẳng dịch bệnh đang bủa vây, các công ty nói chung và startup nói riêng phải gồng mình để chống chọi, giải quyết với các vấn đề nhức nhối.
Đối với startup, ngoài những vấn đề chung thường thấy như sụt giảm doanh thu, năng suất làm việc kém thì vấn đề trọng tâm ở đây là khó tiếp cận nguồn vốn hay quỹ đầu tư. Do đó, việc cạn kiệt nguồn vốn diễn ra trong thời gian dài có thể buộc startup đóng cửa.
Vậy làm thế nào để startup thích ứng trước cuộc khủng hoảng đại dịch này?
Nhận thấy vấn đề trước mắt, Karan Mehandru đã có những đề xuất có thể giúp các startup thích ứng được trước cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Karan Mehandru là nhà đầu tư mạo hiểm và là đối tác của công ty Trinity Ventures, đơn vị hỗ trợ đầu tư giai đoạn đầu cho các doanh nghiệp phần mềm dịch vụ (SaaS) và điện toán đám mây.
Trước đó, ông còn đóng vai trò điều hành, phát triển sản phẩm, tiếp thị và bán hàng cho các công ty khởi nghiệp và các công ty công nghệ tỷ đô.
Karan Mehandru tốt nghiệp cử nhân Kỹ thuật của Đại học Carleton (Ottawa, Canada) và bằng thạc sĩ Khoa học Quản lý Đại học Stanford.
Với tầm nhìn rộng mở, ông đưa ra 5 yếu tố sau đây để thích ứng trước những thách thức mà startup đang đối mặt.
1. Chấp nhận vấn đề
Karan Mehandru nhận định rằng các nhà điều hành càng sớm chuyển mình, giảm thiểu phạm vi sẽ càng ít bị ảnh hưởng trước khủng hoảng đại dịch.
Trong thực tế cho thấy khi thảm họa xảy ra, số ít phần trăm dân số chấp nhận sự thật, nên dễ mất kiểm soát, dẫn đến quyết định sai lầm. Đối với startup, thì việc chấp nhận một điều xấu xảy ra giúp họ ngay lập tức điều chỉnh hướng phát triển cho phù hợp.
2. Xem xét kế hoạch hoạt động kinh doanh
Theo khảo sát Karan, hầu như các doanh nghiệp đều thông qua bản kế hoạch kinh doanh vào đầu năm 2020 trước khi Covid-19 lan rộng.
Vấn đề là nhà điều hành đánh giá cao sự tăng trưởng của doanh nghiệp, song bỏ qua kịch bản đối phó trước khủng hoảng đại dịch ập đến, nên ông cho rằng cần đánh giá và sửa đổi lại bảng kế hoạch để hạn chế rủi ro do thiếu chuẩn bị.
Do ảnh hưởng đại dịch, từ gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa đến thất thu khi bán sản phẩm trực tiếp vì lệnh giãn cách xã hội. Nên các công ty cần thay đổi phương thức bán hàng, thiết lập quy trình bán hàng mới.
Lên kế hoạch phù hợp, dành nhiều thời gian thảo luận chiến lược của ngày mai, thậm chí cho quý và năm tới là những gì nhà đầu tư này gợi ý các nhà khởi nghiệp.

3. Hãy nhìn xa trông rộng
Nhà đầu tư cho rằng không có gì quan trọng hơn con người. Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, nên cho nhân viên làm việc từ xa để đảm bảo an toàn và họ được nhận lương đầy đủ.
Các nhà đầu tư mạo hiểm thường khuyên startup đầu tư nhiều tiền hơn dự kiến để phòng các tình huống xấu xảy ra. Cuộc khủng hoảng kinh tế đang xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, trên mọi lĩnh vực, do đó các quyết định đưa ra sẽ được đánh giá trong từng bối cảnh cụ thể.
4. Thấu hiểu và đồng cảm
Chắc chắn rằng mọi người ai nấy đều mang tâm lý lo sợ trước khủng hoảng đại dịch. Do đó, Karan khuyên các CEO hãy thể hiện sự hỗ trợ đến nhân viên qua hình thức trực tuyến thay vì những cuộc gặp trực tiếp.
Trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu này, nhà lãnh đạo cần giữ vững tinh thần, song vẫn đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh tồn tại.
Nếu nguồn vốn công ty khan hiếm thì hãy giảm hoặc thay đổi kế hoạch tuyển dụng đến khi nền kinh tế bắt đầu ổn định. Đồng thời, cắt giảm những chi phí tiếp thị không cần thiết, tham gia vào nhiều tổ chức với các chuyên gia tư vấn để tìm chiến thuật vận hành doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn này.
Cuối cùng, tùy thuộc vào tình hình tài chính của công ty, hãy xem xét đến việc sa thải nhân sự để đảm bảo sự tồn tại, tuy nhiên hãy cho phép mọi người tự nguyện rời đi theo cách riêng của họ.
5. Tận dụng thời cơ để phát triển
Theo nhà đầu tư, đây là cơ hội các startup nhìn lại tổng thể công ty để cải thiện khâu vận hành tốt hơn như tự động hóa quy trình chuỗi cung ứng, hay chất lượng sản phẩm.
Có nhiều công ty lớn đã nổi lên một cách mạnh mẽ từ suy thoái và những ý tưởng mới đã ra đời từ đây. Ví dụ eDoctor – một startup nền tảng y tế trực tuyến sau khi huy động được 1 triệu USD từ các quỹ đã nhanh chóng tận dụng nhận thức của xã hội đang thay đổi về cách thức khám sức khỏe trực tuyến để mở rộng thị trường.
Theo nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể biến thời gian tạm dừng hoạt động trong khủng hoảng đại dịch thành một cơ hội để tập trung vào những gì thật sự quan trọng và đón chờ điều kỳ diệu sẽ xảy đến.
Bài viết tham khảo thông tin từ vnexpress; tapchitaichinh.
Nara
You must log in to post a comment.