Kế hoạch chi tiêu không rõ ràng, tiêu hoang phí khoản tiền tiết kiệm được, sử dụng tiền không đúng mục đích,… là một trong những sai lầm sẽ khiến bạn mắc kẹt về tài chính. Việc sử dụng tiền chưa hiệu quả là điều khó tránh kể cả những người khôn ngoan trong lĩnh vực này.
Sau đây là 9 sai lầm trong quản lý tài chính mà ai cũng mắc phải
1. Xem nhẹ các khoản vay ngân hàng
Nhiều người muốn theo học một ngôi trường danh tiếng hay kiếm thêm cho mình một bằng cấp mới nhưng liệu những điều này có đem lại cho bạn một kết quả tài chính xứng đáng?
Có quá nhiều người đăng ký vay các khoản nợ sinh viên mà không cân nhắc tới thời gian thanh toán và những gì sẽ nhận được. Do đó, bạn cần nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định vay tiền.
2. Mua xe quá đắt
Hàng triệu chiếc xe mới được bán ra mỗi năm, mặc dù có rất ít người có khả năng chi trả cho việc mua xe. Đừng đánh đổi tiền bạc cho một chiếc xe bạn thật sự không cần. Hơn nữa, bằng cách vay tiền để mua xe, người tiêu dùng đang trả lãi cho một tài sản mất giá, điều này làm tăng sự khuếch đại giữa giá trị của chiếc xe và cái giá phải trả cho nó.
Đôi khi một người không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc vay tiền để mua xe, nhưng không phải ai cũng thật sự cần một chiếc xe sang và đắt tiền. Bạn cần phải cân nhắc kỹ xem liệu nó có xứng đáng với chi phí thêm khi vay một khoản lớn?
3. Bội chi cho nhà ở
Mua nhà trước khi có thể xử lý các trách nhiệm tài chính có liên quan sẽ nhanh chóng làm suy yếu tình hình tài chính của bạn.
Một ngôi nhà lớn hơn không đồng nghĩa với việc nó sẽ tốt hơn trừ khi bạn có một gia đình lớn. Mục tiêu của người trẻ hiện nay thường là mua một ngôi nhà đáp ứng nhu cầu cá nhân và làm nền tảng định cư thay vì những ngôi nhà đồ sộ. Có nhiều người gặp rắc rối khi thanh toán chi phí liên quan đến nhà cửa.
Các chuyên gia tư vấn tài chính khuyên người mua nhà nên để dành khoảng 1/3 thu nhập của mình cho nhà ở.
4. Trì hoãn tiết kiệm
Những người sau khi thanh toán hóa đơn chỉ còn lại một ít tiền có thể rơi vào cái bẫy tâm lý trì hoãn tiết kiệm. Suy nghĩ này thực sự sai lầm và nguy hiểm, vì khi chúng ta già đi các chi phí sinh hoạt cũng trở nên đắt đỏ hơn.
Để vươn lên về tài chính, bạn cần sống dưới mức thu nhập của mình. Hãy tận dụng nguồn thu nhập bổ sung như tiền thưởng, tiền tăng lương hoặc thăng chức,… để tiết kiệm và thực hiện các mục tiêu tài chính lớn hơn.
5. Không có quỹ khẩn cấp
Để đảm bảo bạn việc phải đối mặt với những tai nạn hay sự cố một cách không chuẩn bị trước thì bạn nên xây dựng nền tảng tài chính vững chắc là tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong vòng 3-6 tháng tới để mở quỹ khẩn cấp. Như vậy, những sự kiện bất ngờ cũng không thể gây hại quá nhiều đến cuộc sống của bạn.

6. Thu nhập chỉ tới từ một nguồn
Với việc kiếm thêm thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau, bạn có thể tăng sự ổn định tài chính của mình. Nguồn khác ở đây có nhiều lựa chọn, những công việc bán thời gian, hợp đồng giảng dạy ngoài giờ hoặc tiềm năng từ internet.
Ngoài ra, đầu tư hàng tháng cho các tài khoản hưu trí được xem là điều cần thiết để nghỉ hưu thoải mái. Tham khảo ý kiến một cố vấn tài chính có trình độ để phù hợp với mục tiêu của bạn nếu có thể.
7. Trở thành nạn nhân của các bẫy chi tiêu
Ví dụ điển hình như là chương trình thẻ tín dụng có thưởng, trên lý thuyết thì rất tốt nhưng họ đang cố gắng khuyến khích bạn chi tiêu nhiều hơn dự định. Kinh tế học gọi hiện tượng này là “purchase acceleration” (tăng tốc mua) vì bạn mong muốn được giải thưởng đó. Tuy nhiên, mức lãi suất của loại thẻ có thưởng này cao hơn 2% so với loại thông thường.
8. Không đầu tư cho sự nghiệp
Đầu tư cho sự nghiệp bằng việc tham gia các khóa học nâng cao, các buổi hội thảo huấn luyện để giúp bạn được thăng chức, thoát khỏi nguy cơ bị sa thải hoặc tiếp cận công việc hằng mơ ước. Kinh nghiệm từ một buổi học còn có ích hơn chi tiền cho những bữa ăn, cà phê để nói chuyện với đồng nghiệp.
9. Không có kế hoạch tài chính dài hạn
Tương lai tài chính của bạn phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ngay bây giờ. Mọi người dành vô số giờ để xem TV hoặc lướt cuộn qua các nguồn dữ liệu truyền thông xã hội, nhưng việc dành hai giờ một tuần cho kế hoạch tài chính của họ thì rất ít người làm được.
Hãy ưu tiên cho việc dành thời gian lên kế hoạch tài chính của bạn.
Bài viết sử dụng thông tin từ Investopedia, Vietnambiz và Tapchitaichinh.vn
Xuân Hòa
You must log in to post a comment.