Đầu tư có thể được xem giống như một trò chơi mạo hiểm. Bạn có thể kiếm rất nhiều tiền từ việc đầu tư. Đồng thời, nó cũng đem lại rất nhiều rủi ro. Thế nên, trước khi bắt đầu đầu tư bạn nên tự vấn 7 điều dưới đây để hạn chế gặp rủi ro cho mình nhé!
1. Lộ trình tài chính cá nhân của bạn là thế nào?
Trước khi bạn đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào, hãy ngồi xuống và xem xét một cách trung thực toàn bộ tình hình tài chính của bạn. Nếu như từ trước đến hiện tại bạn chưa lập bất kỳ kế hoạch tài chính nào thì đây bước đi vô cùng quan trọng.
Giống như ông bà ta có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Do đó, hãy vẽ ra lộ trình tài chính của bản thân. Bước đầu tiên để đầu tư thành công là bạn cần xác định được mục tiêu và khả năng chấp nhận rủi ro của chính mình. Đầu tư cũng giống như trò chơi mạo hiểm. Không có gì chắc chắn rằng bạn sẽ kiếm được tiền từ khoản đầu tư. Nhưng nếu bạn có lộ trình rõ ràng, nắm được thông tin thực tế và thực hiện nó theo kế hoạch thông minh thì việc đầu tư sẽ thuận lợi hơn nhiều. Bạn có thể đạt được sự an toàn về tài chính trong nhiều năm và tận hưởng những lợi ích từ việc quản lý tiền của mình.
2. Bạn hiểu về khoản đầu tư không?
Đầu tư khá phức tạp, nó không giống như canh bạc là chờ vào vận may. Khi bạn đầu tư bạn cần phải thật sự hiểu rằng, khoản đầu tư này là gì? Đầu tư vào đâu? Bạn đã đọc được các báo cáo, hiểu và nắm được thông tin thị trường hay chưa?
Để dễ hiểu vì sao bạn cần phải hiểu về khoản đầu tư, hãy cùng IDauTu lướt qua ví dụ này nhé!
Ví dụ. Cùng là đầu tư bất động sản nhưng hiện nay lại có nhiều hình thức khác nhau như đồng sở hữu; đầu tư cá nhân; đầu tư condotel hay officetel. Hay các cổ phiếu khai thác vàng hoạt động khác với quỹ giao dịch trao đổi ủy thác vàng (ETF) nhưng cả hai đều cho phép bạn đầu tư vào vàng chẳng hạn.
Chính vì thế, hãy tự hỏi bản thân rằng liệu bạn đã hiểu về khoản đầu tư không?

>>> Xem thêm: 8 điều cần lưu ý khi đầu tư vốn vào một doanh nghiệp?
3. Phí đầu tư là gì?
Có một số hình thức đầu tư bạn bắt buộc phải trả phí như phí hoa hồng; phí quản lý quỹ hoặc phí cố vấn tài chính. Tùy thuộc vào cách đầu tư nào sẽ có mức phí và loại phí riêng. Thế nên, trước khi đầu tư bạn cũng sẽ cần phải quyết định xem các khoản phí đó bao gồm những khoản gì? Tại sao bạn phải chi chúng? Các khoản phí có xứng đáng với lợi nhuận tiềm năng hàng năm hay không? Nếu tất cả chúng đều hợp lý và đúng như kế hoạch ban đầu của bạn thì lúc đó bạn có thể thoải mái đầu tư.
4. Thu nhập từ đầu tư có phải chịu thuế không?
Hoa hồng giao dịch và chi phí quản lý quỹ có thể là hai khoản phí duy nhất bạn xem xét khi giao dịch. Nhưng bạn cũng nên suy nghĩ về các khoản thu nhập từ việc đầu tư của bạn sẽ bị đánh thuế.
Ví dụ. Khi đầu tư vào Roth 401k thì bạn sẽ đóng thuế thu nhập trước khi bỏ tiền vào quỹ này.
5. Danh mục đầu tư đã phân bổ đúng cách không?
Bạn nên xem xét phân bổ danh mục đầu tư một cách hợp lý để giảm thiểu rủi ro đầu tư. Hãy tự hỏi rằng liệu lần đầu tư này có khiến danh mục đầu tư của bạn mất cân đối không?
Một bí quyết nữa để giảm thiểu rủi ro cho bạn đó là đừng bao giờ để tiền vào một túi. Tức là, bạn nên đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Tránh trường hợp bạn phải mất trắng vì đã đổ toàn bộ số tiền vào cổ phiếu A mà cổ phiếu A lại mất giá.
Thỉnh thoảng bạn cũng nên cân nhắc tái cân bằng danh mục đầu tư.
Tái cân bằng là đưa danh mục đầu tư của bạn trở lại hỗn hợp phân bổ tài sản ban đầu. Bằng cách tái cân bằng, bạn sẽ đảm bảo rằng danh mục đầu tư của mình không tập trung quá mức vào một hoặc nhiều danh mục tài sản. Và tất nhiên, khi danh mục đầu tư đã cân bằng thì rủi ro cũng được giảm thiểu rất nhiều.
Chưa hết, nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị các nhà đầu tư nên cân đối lại danh mục đầu tư của mình theo một khoảng thời gian đều đặn. Chẳng hạn như 6 hoặc 12 tháng một lần. Vì điều đó, sẽ giúp nhà đầu tư nhớ được các cột mốc cần “làm mới” lại danh mục đầu tư của mình.

6. Tại sao lại quyết định đầu tư trong thời gian này?
Hãy tự hỏi: Tại sao bạn lại chọn thời gian này mà không phải là 1 hay 2 tháng sau không? Nếu đã có câu trả lời một cách tự tin nhất thì có thể bạn đã chuẩn bị tốt cho việc bắt đầu đầu tư rồi đấy!
Hơn nữa, bạn đừng quên cân nhắc việc viết lại nhật ký đầu tư cho mình nhé. Đặc biệt là những lý do bạn bắt đầu đầu tư cũng như bắt đầu mỗi giao dịch. Bởi những điều đó sẽ giúp bạn tìm được lý do bắt đầu và không nản chí hay đi sai hướng trong tương lai. Không những thế, khi bạn ghi lại thông tin mỗi lần bạn giao dịch, bạn sẽ dễ dàng so sánh dự đoán của bạn với hiệu suất thực tế hơn đấy.
7. Dự định bán, thu lời của bạn là thời gian nào?
Một kết quả đầu tư tồi tệ là không thể bán khoản đầu tư đang thua lỗ mà bạn muốn thoát. Do đó, bạn nên xác định cụ thể là khoản đầu tư đó là ngắn hạn hay dài hạn? 2 năm, 5 năm hay 10 năm. Đặc biệt, bạn cần đề ra chiến lược rút lui vì nó có thể rất quan trọng trong tương lai. Trước khi mua bất kỳ vị trí nào, hãy tưởng tượng việc bán sẽ như thế nào. Bạn có thể bán số tiền đầu tư ban đầu của mình khi nó tăng gấp đôi nhưng vẫn giữ lợi nhuận đã đầu tư. Quan trọng hơn, bạn có thể sử dụng lệnh cắt lỗ để hạn chế rủi ro giảm giá của mình.
Không những thế, việc tạo và duy trì một quỹ khẩn cấp cho riêng mình cũng rất cần thiết.
Hầu hết các nhà đầu tư thông minh đều bỏ đủ tiền vào một sản phẩm tiết kiệm để trang trải cho trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như thất nghiệp đột ngột. Một số đảm bảo rằng họ có tới sáu tháng thu nhập để tiết kiệm để họ biết rằng số tiền đó sẽ hoàn toàn có sẵn cho họ khi họ cần.
Tóm lại, việc tự vấn trước khi bắt đầu đầu tư có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn đấy. Khi tự vấn bản thân, mọi con đường, hướng đi của bạn sẽ được vạch ra một cách rõ nét hơn. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng đưa ra những quyết định phản ứng kịp thời với thị trường và các rủi ro trong tương lai.
Bài viết tham khảo thông tin từ forbes.com và sec.gov
Thanh Nhị
You must log in to post a comment.