Dmitriy Nortenko – Giám đốc điều hành và người sáng lập của công ty khởi nghiệp công nghệ QA Madness đã chia sẻ những suy nghĩ của bản thân về môi trường startup. Và đây là 7 điều mà ông tin rằng sẽ quyết định tới sự thành công của một startup.
I. Mô hình khởi nghiệp mà Dmitriy Nortenko đánh giá cao
Công ty của Dmitriy đã có mặt trên thương trường hơn 10 năm liền, với khoảng thời gian lãnh đạo công ty ấy cũng như với những kinh nghiệm ông đã tích lũy ở nhiều công ty khác nhau, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp. Điều này giúp ông nhận thấy một mô hình mà ông luôn đánh giá cao ở một công ty startup.
Những bước cơ bản nhưng lại vô cùng quan trọng khi bắt đầu một startup có thể kể đến như lập kế hoạch cẩn thận, lập ngân sách và quản lý nguồn lực. Hơn ai hết, người làm kinh doanh cần hiểu rõ công ty mình đang cần hay thiếu những gì.

Một công ty khởi nghiệp thành công thường có khả năng trở thành tâm điểm của sự chú ý – có thể là một mô hình kinh doanh độc đáo hoặc một người chủ với tư duy kinh doanh thú vị của họ, ngay cả khi nghe có vẻ phức tạp.
Dmitriy nhận thấy rằng các dự án khởi nghiệp đầy hứa hẹn luôn bắt đầu với một nhóm nhỏ, thường là một nhóm bạn bao gồm những người với những ý tưởng xuất phát từ đam mê hơn là lợi ích tài chính ở giai đoạn đầu. Nhóm này ban đầu có xu hướng tự đảm nhận tất cả các nhiệm vụ, nhưng khi công ty phát triển và các quy trình quan trọng được thiết lập, họ bắt đầu chia đi những nhiệm vụ đó để tăng hiệu suất công việc cũng như tận dụng nguồn tài nguyên.
II. 7 bí mật đằng sau thành công của một công ty startup
1. Biến công ty trở thành những startup sáng tạo nhất
Để công ty của mình nổi bật giữa hàng nghìn startup ra đời hàng năm, bạn cần hướng đến những cải thiện trong từng ngóc ngách của những sản phẩm vốn đã thân quen với người dùng, giúp họ sử dụng nó một cách thuận tiện hơn. Chẳng hạn tại Việt Nam, biết được tâm lý quan ngại trong việc tìm đất, tìm nhà thiết kế, tìm đơn vị thầu,… Alobase xuất hiện và giúp người đơn giản hóa việc xây dựng nhà cửa.
2. Biết và hiểu đối thủ startup cạnh tranh
Bằng cách này hay cách khác, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là một trong những nhân tố thúc đẩy kinh doanh phát triển. Và khởi nghiệp cũng thế, mỗi một công ty startup đều có không ít những đối thủ cho mình ở từng ngành hàng, từng lĩnh vực kinh doanh.
Không những biết, bạn cần phải hiểu rõ những đối thủ cả trực tiếp, gián tiếp và những đối thủ tiềm năng. Từ đó, gia tăng được doanh số, củng cố thương hiệu trong lòng người dùng và khẳng định vị trí trong phân khúc tiêu dùng.
3. Đừng tin vào những sự tình cờ
Mọi người thích những câu chuyện thành công bắt đầu từ những sự giác ngộ bất ngờ hoặc một bước ngoặt nào đó. Sau đó, họ chọn cho mình những bước đi mới và đích đến cuối cùng là sự thành công.
Mô tuýp cổ tích này được ưa chuộng nhưng việc tạo ra một doanh nghiệp tất nhiên không dễ dàng như thế. Startup là một sàn đấu đầy khắc nghiệt và tất nhiên sẽ không có chỗ cho may mắn hay trực giác. Nếu bạn có một ý tưởng đáng chú ý, điều quan trọng bạn cần làm là phải chủ động tìm các nguồn lực và cơ hội để trình bày nó nhằm thu hút đầu tư.
4. Đừng phức tạp hóa ý tưởng startup
Các công ty khởi nghiệp có xu hướng quan tâm quá nhiều đến chức năng. Một số hướng đến sự hoàn hảo trước khi họ xác định phân khúc người dùng mục tiêu, điều này vô tình đã phức tạp hóa ý tưởng của họ.
Nhưng Dmitriy tin rằng sản phẩm của bạn càng đơn giản thì càng tốt cho sự khởi đầu. Điều này sẽ dễ dàng cho những khách hàng đầu tiên của bạn cũng như tạo sự dễ dàng cho chính bạn khi trình bày ý tưởng này trước nhà đầu tư khi gọi vốn.
>> Xem thêm: 11 điều khiến gọi vốn startup thất bại
5. Hiểu rõ những quy trình trong công ty
Quy trình doanh nghiệp là một chuỗi các bước được liên kết với nhau và được thực hiện bởi nhiều phòng ban, mỗi phòng ban nắm một vai trò cụ thể trong chuỗi ấy. Mục đích cuối cùng của chuỗi này là cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng.
Một nhà quản lý nên hiểu rõ quy trình kinh doanh, đặc biệt là trong chính công ty của mình. Nếu bạn biết mọi thứ hoạt động như thế nào, bạn sẽ có thể ước tính trước được tính khả thi của ý tưởng, xác định các rủi ro có thể xảy ra với ý tưởng cũng như có thể là tìm những giải pháp phù hợp để giải quyết những rủi ro ấy.

6. Chia sẻ trách nhiệm
Ngày xưa, xu hướng tuyển dụng luôn tìm kiếm những nhân viên đa tài, có thể đảm nhận nhiều chức vụ. Bạn có thể giỏi ở mảng công nghệ, lại giỏi lãnh đạo và cũng giỏi trong quản lý chi tiêu. Điều này sẽ tạo nhiều cơ hội cho bạn trong công việc.
Tuy vậy, ngày nay việc đánh giá một ứng viên đã thay đổi ít nhiều và quan trọng nhất là bạn phải làm tốt những công việc nằm trong chuyên môn của mình đã. Lời khuyên từ những vị CEO hàng đầu là nếu bạn giỏi một lĩnh vực nào đó, đừng cố gắng đảm nhận cả những trách nhiệm khác (mà bạn chỉ làm tốt ở mức trung bình). Những vấn đề sẽ bắt đầu khi có người nào đó (sẽ càng đáng quan ngại hơn nếu là một người lãnh đạo) cố gắng làm tất cả và có thể họ sẽ không nhận thấy các yếu tố quan trọng khác để điều hành một doanh nghiệp.
7. Hãy bình tĩnh
Với những người mới bắt đầu nắm giữ vị trí điều hành một công ty khởi nghiệp sẽ dễ hiểu nếu họ gặp những căng thẳng. Nhưng điều quan trọng là ngoài một trái tim nóng, bạn cũng cần một cái đầu lạnh. Đừng để bản thân bị choáng ngợp bởi những thứ nhỏ nhặt và đảm bảo rằng bạn luôn bình tĩnh trước những vấn đề xảy đến với công ty của mình.
III. Tạm kết
Số liệu chứng minh hơn 90% startup thất bại, tuy nhiên Dmitriy cho rằng thất bại đó thường xảy ra rất lâu sau khi công ty ra mắt sản phẩm đầu tiên.
Khả năng dừng lại khi một ý tưởng không còn có khả năng khai thác là một quyết định đúng đắn đối với một chủ công ty khởi nghiệp. Sau đó tìm một ý tưởng khác để tiếp tục? Nghe có vẻ hợp lý nhưng đó không phải là lựa chọn sáng suốt nhất.
Vì vậy Dmitriy với những chia sẻ của mình, hy vọng những doanh nhân trẻ đang bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp của họ có thể giảm thiểu những rủi ro và sớm đạt được thành công.
Bài viết có tham khảo thông tin từ Forbes.com và Báo đầu tư
Nhật Minh
You must log in to post a comment.