“Như đứa trẻ mới biết đạp xe, việc quan trọng là làm thế nào để giữ thăng bằng và đi thẳng chứ không phải là cố gắng chạy thật nhanh”
Qua chặng đường 5 năm xây dựng và phát triển doanh nghiệp, anh Hoàng Linh – CEO của cirCO coworkingspace đã có dịp ngồi lại để cùng chia sẻ 7 bài học kinh doanh đắt giá khi anh bắt đầu startup và làm việc cùng đội nhóm của mình.
1. Phải xác định được thị trường và khách hàng tiềm năng
“Sản phẩm đột phá không phải là yếu tố thành công nếu bạn không có khách hàng”.
Rất nhiều founder lầm tưởng rằng họ chỉ cần tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm tuyệt vời thì khách hàng sẽ tự tìm đến. Đây thật sự là một quan điểm rất sai lầm và cũng là lý do thất bại của rất nhiều công ty trong giai đoạn đầu.
Tại giai đoạn này, công ty cần xác định rõ ai sẽ là người sử dụng và mua sản phẩm của mình, xây dựng các giả thuyết về nhu cầu khách hàng rồi từ đó đưa ra giải pháp hoặc sản phẩm phù hợp. Đây là một quá trình lặp đi lặp lại cho đến khi doanh nghiệp tìm ra được giải pháp thích hợp cho đối tượng khách hàng tiềm năng.
2. Cần hiểu được mô hình kinh doanh của mình
Startup của bạn cần biết cách kiếm tiền như thế nào, cơ cấu chi phí ra sao và làm thế nào để kết nối với khách hàng tiềm năng. Công ty không hiểu rõ mô hình kinh doanh của chính mình sẽ rất khó để dẫn đường cho cả team.
Một công cụ rất phổ biến trên Internet giúp bạn xác định được mô hình kinh doanh của mình đó là Business Model Canvas. Bạn có thể sử dụng nó để có thể tự xem xét cách hoạt động của doanh nghiệp mình.
3. Tập trung vào những công việc tạo ra giá trị và kết quả
Bài học này tưởng chừng đơn giản nhưng lại là bài học “dễ quên” nhất của một số startup. Tản mát nguồn lực vào những việc không tạo ra kết quả hoặc làm nhưng không đo lường hiệu quả sẽ làm cho cả team mất tập trung vào các mục tiêu chính của công ty.
4. Tối ưu hóa vận hành chưa phải là ưu tiên
Giống như một đứa trẻ mới biết đạp xe, việc quan trọng lúc mới biết đạp đó là làm thế nào để giữ thăng bằng và đi thẳng chứ không phải là cố gắng chạy thật nhanh. Khi bạn khởi nghiệp một công ty cũng vậy, phải cố gắng làm đúng ngay từ đầu.
5. Đừng nên bắt đầu một mình
Doanh nghiệp cần có đồng sáng lập để phân chia và chia sẻ công việc với nhau. Theo thống kê, các công ty có từ 2 đến 3 đồng sáng lập có tỉ lệ thành công cao nhất.
Bởi xét về bản chất, kinh doanh là một công việc rất khó. Bắt đầu startup một mình sẽ làm cho bạn cảm thấy cô đơn. Khi khó khăn xảy đến, bạn chỉ có một mình. Lúc đó, rào cản tâm lý sẽ trở thành một trong những khó khăn lớn nhất của founder. Nếu có ít nhất một người cùng chia sẻ khó khăn, bạn và công ty sẽ có khả năng đứng dậy dễ hơn.
-
Học nhanh là một kỹ năng không thể thiếu
Các kiến thức trường lớp hoặc kinh nghiệm lúc trước của bạn có thể không áp dụng được cho một mô hình kinh doanh ở một công ty khởi nghiệp. Bạn phải học và có khả năng học thật nhanh những kiến thức mới để có thể giải quyết được nhiều vấn đề mà bạn chưa bao giờ gặp phải.
Đây cũng là yếu tố bạn có thể nhìn vào để đánh giá cũng như là lựa chọn những teammate phù hợp với mình.
-
Tôn trọng sự khác biệt
Bài học cuối cùng – một startup team có nhiều background và góc nhìn khác nhau sẽ cho bạn nhiều ý kiến khác nhau trước một vấn đề. Từ đó, bạn sẽ có nhiều dữ kiện hơn để ra quyết định.
Trên đây là 7 lời khuyên từ anh Linh Hoàng dành cho các founder trẻ và các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong tương lai. Chúc các bạn kiên định, vững vàng và thành công.
Nguồn: cirCo
You must log in to post a comment.