Kiếm được tiền là một vấn đề, quản lý số tiền mình kiếm được còn là một vấn đề lớn hơn. Nếu như bạn không có phương pháp chi tiêu và quản lý tài chính khoa học, bạn sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng bị động trước rủi ro, cũng như khó đạt được tự do tài chính sau này.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết 6 lỗi quản lý tài chính phổ biến cũng như cách khắc phục chúng.
1. Thói quen chi tiêu xấu
Nhiều người luôn cảm thấy bản thân ở trong tình trạng không đủ tiền tiêu xài, luôn “cháy túi” trước khi nhận lương mới. Vậy hãy xem lại thói quen chi tiêu của bản thân mình.
Trên thực tế, những khoản tiền tưởng chừng như chẳng bao nhiêu như cafe, xem phim, quần áo… khi cộng lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của bạn. Hoặc cũng có nhiều người có thu nhập rất cao, nhưng lại chi tiền không tiếc tay cho những món đồ xa xỉ như xe hơi đời mới, nhà, du lịch xa hoa… thì cuối cùng cũng không tránh khỏi một số khoản nợ xấu.
Vì vậy, dù bạn có kiếm được nhiều tiền như thế nào, bạn cũng cần có một kế hoạch chi tiêu hằng tháng, phân chia hợp lý thu nhập của mình, tránh đốt tiền vào những thứ không có nhiều giá trị. Một trong những phương pháp lên kế hoạch chi tiêu cơ bản mà hiệu quả là nguyên tắc 50/30/20.
Xem thêm: Quản lý tiền bạc hiệu quả với quy tắc 50/20/30

2. Không nắm tình trạng tài chính của bản thân
Trước khi chi tiêu thì bạn cần lên kế hoạch, sau khi chi tiêu thì bạn cần theo dõi và quản lý chúng. Một khi có những tài khoản để theo dõi chi tiêu của mình, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về khoản chi, mức độ chi tiêu cho những việc cần thiết và không cần thiết, từ đó bạn có thể biết được tình hình chi tiêu hiện tại là hợp lý hay không. Ngay cả khi bạn có rất nhiều tiền, không bận tâm về giá cả của những món đồ mà mình mua, theo dõi chi tiêu sẽ giúp bạn biết mình đang hoang phí tiền bạc vào việc gì. Cho dù đối với người giàu thì lãng phí cũng là việc không nên xảy ra.
Thường xuyên kiểm tra tình hình tài chính sẽ giúp bạn điều chỉnh lối sống và chủ động trong vấn đề tiền bạc.
3. Phụ thuộc vào thẻ tín dụng
Lạm dụng thẻ tín dụng sẽ dẫn đến vấn đề tài chính. Bạn không nên duy trì thói quen dùng thẻ tín dụng cho mọi thứ mình không thể chi trả. Đôi khi, lãi suất thẻ tín dụng sẽ tính thêm chi phí trên món hàng, khiến bạn phải trả mức giá cao hơn thực tế. Hơn nữa, những khoản phí phát sinh khổng lồ sẽ khiến bạn đau đầu khi chi trả. Và việc lấy thu nhập tháng này trả tín dụng tháng trước, rồi lại tiếp tục sử dụng thẻ sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Vì thế bạn chỉ nên tiêu số tiền mình đang có, sử dụng thẻ tín dụng với mục đích tạo lịch sử tín dụng tốt, làm tiền đề cho các khoản vay trong tương lai.
4. Đầu tư thiếu tính toán
Đầu tư mà không có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ dễ dẫn đến thất bại. Trước khi quyết định đầu tư, bạn nên tìm hiểu thị trường, trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và kỹ năng. Vì không phải ai sau khi mất tiền vì đầu tư thất bại cũng có thể đủ vốn và kiên nhẫn để làm lại từ đầu.
Ngoài ra, bạn có thể tìm đến các chuyên gia, cố vấn tài chính để có được lời khuyên, tư vấn đầu tư đúng đắn.
5. Thiếu quỹ dự phòng khẩn cấp
Những tình huống khẩn cấp xảy ra là điều không thể tránh khỏi với mọi người. Nhiều người nghĩ cuộc sống ổn định, không quan tâm nhiều đến khoản dự phòng. Tuy nhiên, quỹ dự phòng có tác dụng như tấm lưới bảo vệ các khoản tiết kiệm, giúp mục tiêu tài chính của bạn ổn định dù có bất trắc xảy ra.
6. Không chuẩn bị cho giai đoạn hưu trí
Khi ngừng làm việc, bạn cần có khoản tiền để phục vụ đời sống lúc về già. Tùy vào quan điểm, bạn có thể lựa chọn phương án tài chính cho giai đoạn hưu trí của mình. Đơn giản nhất là khi còn trẻ, bạn có thể trích một khoản từ thu nhập hằng tháng vào quỹ hưu trí của mình. Hoặc bạn có thể tìm đến lời khuyên từ các cố vấn tài chính để sắp xếp kế hoạch.
Trên đây là 6 lỗi quản lý tài chính mà nhiều người thường gặp phải trong cuộc sống. Hi vọng bài viết đã giúp bạn nhận biết những lỗi này và có được phương pháp khắc phục chúng để tạo kinh tế vững vàng hơn.
Bài viết tổng hợp thông tin từ: Zingnews, CafeF
Như Ý
You must log in to post a comment.