Thị trường chứng khoán luôn là kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu hấp tấp vội vã đầu tư, bạn có thể sẽ phạm sai lầm và phải gánh hậu quả. Hãy xem qua 6 câu hỏi cần trả lời trước khi đầu tư dưới đây để đảm bảo bản thân đã sẵn sàng cho một quá trình đầu tư hiệu quả nhé.
1. Mục đích đầu tư của bạn là gì?
Hãy nghĩ đến mục tiêu của việc đầu tư trước khi mở tài khoản. Nếu bạn có nhiều thời gian và mục đích sử dụng số tiền lãi không gấp gáp, ví dụ như bạn 25 tuổi và muốn tiết kiệm về hưu, đầu tư vào cổ phiếu là điều phù hợp. Khi đó, dù quá trình đầu tư có không suôn sẻ, bạn vẫn có nhiều thời gian để khắc phục.
Còn trong trường hợp mục đích của bạn là mua một căn nhà trong 5 năm tới, không nên dồn hết tiền vào cổ phiếu. Bạn có thể tìm đến phương án khác, ví dụ như mua trái phiếu hoặc gửi tiền tiết kiệm lãi suất cao.
2. Khả năng chấp nhận rủi ro của bạn như thế nào?
Hãy đặt ra câu hỏi là “Bạn có thể chấp nhận thua lỗ hay không?”, “Mức độ thua lỗ tối đa có thể chịu được là bao nhiêu?” “Nếu lỗ quá độ thì có suy sụp không?”.
Theo các chuyên gia tài chính, không nên cố “canh” thời gian tham gia thị trường, vì rất khó để thắng được thị trường. Cần hiểu rằng, khi bắt đầu đầu tư, sẽ có nguy cơ rằng một ngày nào đó danh mục của bạn sẽ biến mất vài phần trăm hoặc nhiều hơn thế.
Vì thế, trước khi đầu tư hãy hiểu rằng việc xác định “ngưỡng chịu đựng” là rất quan trọng, từ đó bạn có thể chuẩn bị và đảm bảo tình trạng tài chính lành mạnh, tâm lý vững vàng để không hoảng loạn bán tháo các danh mục.

3. Quỹ dự phòng khẩn cấp của bạn là bao nhiêu?
Mục đích của việc lập quỹ dự phòng là khi có vấn đề xảy ra, bạn vẫn có đủ tiền để lo liệu, thay vì rút tiền trong tài khoản đầu tư ra. Lý tưởng nhất là bạn nên dự phòng chi phí sinh hoạt 3 – 6 tháng. Nếu đã kết hôn, bạn có thể chỉ cần dự phòng 3 tháng. Nhưng nếu độc thân, các chuyên gia khuyên nên dự phòng ít nhất 6 tháng, vì bạn không bao giờ biết những chuyện khẩn cấp xảy ra lúc nào đâu.
4. Ngân sách của bạn là bao nhiêu?
Bạn cần nắm được dòng tiền ra vào của mình, điều này sẽ giúp bạn tính toán chi tiêu 1 tháng cho đầu tư là bao nhiêu. Để làm việc này, bạn có thể dùng các công cụ theo dõi và lên kế hoạch chi tiêu hoặc trước tiên liệt kê các chi phí lớn sẽ xuất hiện thời gian tới, để tránh chúng ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư. Dù làm theo cách nào, mục đích cuối cùng vẫn là bạn biết mình còn bao nhiêu tiền rảnh rỗi để đầu tư.
5. Tình trạng của doanh nghiệp như thế nào?
Không nên mua một cổ phiếu dựa vào cảm tính, mua chỉ vì bạn thích một công ty. Hãy tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp đó trước khi bỏ tiền mua một cổ phiếu.
Bạn có thể tra cứu báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp cũng như tham khảo báo cáo của các công ty chuyên gia phân tích. Bạn cũng nên dành thời gian tham dự các cuộc họp cổ đông để hiểu về chiến lược và đội ngũ lãnh đạo của công ty. Hãy tìm hiểu và khái quát toàn bộ tình hình của doanh nghiệp đó như cách thức doanh nghiệp kiếm ra tiền, sức khỏe tài chính, biên lợi nhuận, tiềm năng sinh lợi trong tương lai và đối thủ cạnh tranh của họ… Đừng chỉ đầu tư vì doanh nghiệp đang được ưa thích hay phổ biến vào thời điểm đó.
6. Khoản đầu tư này có phù hợp với chiến lược tổng thể?
Theo các chuyên gia, nguyên tắc phổ biến là phân bổ từ 5% đến 10% danh mục đầu tư của bạn cho các cổ phiếu riêng lẻ hoặc các loại tài sản thay thế khác. Phần còn lại nên để vào các kênh ít rủi hơn như các quỹ đầu tư, gửi tiết kiệm… Tuy nhiên, việc phân bổ này cũng phụ thuộc và hoàn cảnh cá nhân của nhà đầu tư.
Điều này giúp bạn đảm bảo rằng trong tình huống lựa chọn sai một cổ phiếu sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến các danh mục khác và làm thay đổi cả chiến lược đầu tư chứng khoán của bạn.
Tổng hợp từ Vnexpress, Tạp chí tài chính
You must log in to post a comment.