Thế giới đã thay đổi mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Startup vốn là một môi trường khắc nghiệt và đại dịch còn khiến nó trở nên khắc nghiệt hơn. Đây là lúc các doanh nhân đang tìm kiếm ý tưởng kinh doanh để thoát khỏi khủng hoảng. Dưới đây là một số ý tưởng startup công nghệ nhiều hứa hẹn trong đại dịch.
1. Ứng dụng mua hàng tạp hóa
Các chuyến đi hàng ngày đến cửa hàng tạp hóa giờ đã biến thành một công việc mệt mỏi và lo lắng. Tuy nhiên, đây là công việc thiết yếu nên nhu cầu vẫn ở mức cao và đó là, các ứng dụng tạp hóa theo yêu cầu nghiễm nhiên trở thành một ngành công nghiệp sinh lợi, cung cấp các mặt hàng tạp hóa ngay trước thềm nhà của khách hàng.
Một trong những startup ăn nên làm ra mùa Covid-19 là Instacart – mới đây vừa huy động thành công 225 triệu USD trong vòng gọi vốn mới với mức định giá 13,7 tỷ USD. Ứng dụng cho phép khách hàng lựa chọn trực tuyến những món đồ cần thiết. Bộ phận quản lý đơn hàng của công ty sẽ cho đóng gói và vận chuyển đến tận nhà khách hàng.
Trước đó, ta cũng đã chứng kiến một số startup du lịch chuyển hướng sang hình thức kinh doanh và chuyển hàng online.
2. Dịch vụ nhận và giao hàng công nghệ
Một dịch vụ nhận và giao hàng là vị cứu tinh trong những ngày này khi mọi người đang ở nhà và không phải mọi doanh nghiệp đều có dịch vụ giao hàng. Với một nền tảng nhận và giao hàng, mọi người cũng có thể mua sắm từ các cửa hàng như vậy mà không phải lo lắng về các tùy chọn giao hàng và thời gian.
Mặc dù đây không phải một hình thức startup mới nhưng với nhu cầu tăng cao trong giai đoạn đại dịch thì đây hứa hẹn sẽ là là mô hình ăn nên làm ra. Cụ thể, khoảng 80% số vốn mới huy động trong quý 1/2020 là của Gojek (Singapore) và đối thủ Grab.

3. Game di dộng
Một trong những thách thức lớn nhất trong đại dịch là sự xa cách xã hội và tránh xa bạn bè và gia đình. Trò chơi di động nhiều người chơi là một cách tuyệt vời để giúp mọi người khỏi những giờ phút chán chường và giữ liên lạc với bạn bè. Các công ty có thể phát triển một phiên bản trực tuyến của các trò chơi truyền thống như cờ vua, cờ tỷ phú,…. Hoặc có thể sản xuất ra một trò chơi di động mới.
Có thể kể đến dịch vụ game Zynga như một ví dụ điển hình cho sự tăng trưởng trong những tháng cách ly xã hội, cụ thể game này đã tăng 2% lên 6 tỉ USD. Hoặc startup Việt Amanote mới đây công bố đạt 1 tỷ lượt tải, trở thành công ty trò chơi âm nhạc hàng đầu thế giới với 15 ứng dụng game có mặt tại 191 quốc gia.
4. Các ứng dụng công nghê phục vụ y tế
Vì các bệnh viện và phòng khám được xem là nơi dễ dàng lây lan virus nên các ứng dụng từ xa là một sự thay thế tuyệt vời cho quá trình khám và chưa bệnh. Ưu điểm từ hình thức này là hầu hết các giai đoạn tư vấn và đặt bác sĩ có thể được tiến hành trực tuyến mà không cần tương tác trực tiếp.
Giai đoạn đại dịch vừa qua, ta thấy sự bùng nổ của các dịch vụ y tế trên nền tảng kỹ thuật số. Tại Việt Nam, eDoctor được rót vốn hơn 1 triệu USD từ 4 quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Genesia Ventures, Bon Angels và Nextrans.
5. Các cơ quan công nghệ phát triển ứng dụng và web
Cách ly xã hội đồng nghĩa với làm việc tại nhà, kéo theo sự bùng nổ về nhu cầu thực hiện số hóa công ty của các doanh nghiệp. Hầu hết các cơ quan theo hình thức truyền thống đều có nhu cầu phát triển các trang web và ứng dụng di động. Nếu bạn đang có định hướng phát triển công ty về ứng dụng và web, đây chính là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu liên doanh hoặc đăng ký làm freelancer và giúp các doanh nhân trong các dự án của họ.
Một startup Việt là WindSoft Việt Nam (cung cấp giải pháp phần mềm và ứng dụng cho quản trị doanh nghiệp) và EcomEasy (chuyên về giải pháp tiếp thị và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử) đã nhận 200.000 – 500.000 USD vốn đầu tư từ Quỹ Viet Valley Ventures.
Bài viết có tham khảo thông tin từ Cafef.vn và Forbes.com
Nhật Minh
You must log in to post a comment.