Thói quen chi tiêu là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến tài chính cá nhân của chúng ta.
Có thể nói, hiểu được thói quen chi tiêu của bản thân là bước đầu tiên để giúp chúng ta có cách tiếp cận đúng hơn trong việc tiêu xài, tiết kiệm cũng như đầu tư.
Khi nhận ra thói quen chi tiêu của mình thuộc nhóm nào, cũng là lúc thay đổi từng bước nhỏ để mang lại kết quả tài chính trong tương lai.
1. Tiêu xài phung phí
Những người tiêu xài phung phí mang trong mình lối sống xa hoa, thích sở hữu xe đẹp, tôn sùng điện thoại đời mới và khó kìm lòng được trước những món đồ hàng hiệu.
Với vẻ ngoài bóng bẩy để thể hiện trong mắt người khác, họ thoải mái chi trả các món đồ đắt tiền, không sợ nợ nần và thường tiềm ẩn rủi ro lớn khi đầu tư. Tất nhiên, nhu cầu này là hoàn toàn bình thường nếu như họ có điều kiện để chi trả.
Lời khuyên: mua sắm ít hơn, tiết kiệm nhiều hơn.
Chúng ta nên nghĩ đến lợi ích lâu dài, đừng chỉ thỏa mãn nhu cầu bản thân trước mắt. Trước khi mua món đồ xa xỉ nào đó, hãy cân nhắc rằng trong một năm tới ta vẫn muốn sử dụng nó hay không.
Với cách này, chúng ta có thể giới hạn chi tiêu cho những thứ cần thiết hơn; bên cạnh đó, có thể tìm hiểu các cơ hội đầu tư sinh lời từ từ thay vì vung tiền một cách vô nghĩa.
2. Tiết kiệm
Trái ngược với người phung phí, người tiết kiệm không mấy quan tâm đến các xu hướng mới nhất, hay những món đồ xa xỉ. Họ hài lòng với hiện tại hơn là ném tiền vào việc mua sắm, ăn chơi, đặc biệt là không mạo hiểm và sợ rủi ro khi đầu tư. Nhìn chung, người tiết kiệm sống thanh đạm, không mắc nợ và có thể nghỉ hưu sớm với số tiền để dành được.
Lời khuyên: tiết kiệm một cách thông minh hơn.
Dĩ nhiên, sống tiết kiệm không có nghĩa là sống thắt lưng buộc bụng, khổ sở. Thỉnh thoảng, chúng ta nên tự thưởng cho bản thân sẽ khiến cuộc sống trở nên thú vị hơn.
Chúng ta có thể cân nhắc về việc đầu tư để kiếm thêm lợi nhuận, hơn là chỉ giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm. Đôi khi sự mạo hiểm sẽ mang lại phần thưởng xứng đáng mà ta mong muốn.
3. Nghiện mua sắm
Đối với chị em phụ nữ, mua sắm không những mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ mà còn giúp giảm căng thẳng. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc yêu thích và nghiện mua sắm khá mong manh. Không thể kiểm soát hành vi, thường xuyên chạy theo xu hướng là dấu hiệu người nghiện mua sắm.
Trong thời đại công nghệ số, mua sắm online trở nên phổ biến và thuận tiện làm thúc đẩy việc mua sắm diễn ra nhanh chóng. Điều này khiến họ khó tiết chế chi tiêu cho các món đồ mà đôi khi lại không cần thiết.
Lời khuyên: kiểm soát thẻ tín dụng.
Kiểm soát thẻ tín dụng là bước quan trọng để khắc phục cơn cuồng mua sắm, chúng ta có thể áp dụng các cách như sau:
- Ưu tiên sử dụng tiền mặt khi mua những món đồ không thiết yếu.
- Lên ngân sách chi tiêu cụ thể cho bản thân.
- Học cách lập kế hoạch tiết kiệm và kỷ luật khi thực hiện.
- Thay vì mua sắm để giải khuây thì hãy dành thời gian cho những thứ quan trọng hơn.

4. Mắc nợ
Người mắc nợ thường tiêu xài nhiều hơn họ kiếm được và nếu không khắc phục thì ngày càng lún sâu vào nợ nần. Họ không hẳn là những người nghiện mua sắm hoặc thích thể hiện mình.
Đơn giản, những người này không biết cách quản lý tiền bạc của mình xem chúng đi về đâu. Họ nợ nhiều nên khái niệm tiết kiệm cho lúc về hưu trở nên vô cùng xa vời.
Lời khuyên: Lập kế hoạch và bắt đầu đầu tư.
Bởi họ thiếu kiến thức cơ bản về tài chính nên cần có người tư vấn để giúp tháo gỡ các vấn đề cũng như thiết lập kế hoạch đầu tư một cách an toàn. Ngoài ra, họ có thể áp dụng các cách như sau để hạn chế nợ nần:
- Liệt kê các khoản chi tiêu hằng ngày
- Kiểm tra tài khoản ngân hàng thường xuyên
- Hạn chế mượn bạn bè quá nhiều tiền
- Học cách tiết kiệm
5. Đầu tư
Mẫu người đầu tư là người hiểu về tình hình tài chính của mình. Trong khi người khác không dám đầu tư vì sợ rủi ro thì những người này nắm bắt cơ hội, hy sinh khoản tiền ban đầu để thu lợi nhuận sau này. Bất kể vấn đề tài chính của họ như thế nào, khi đầu tư, họ ra quyết định cẩn thận và chấp nhận rủi ro mạo hiểm.
Họ luôn hướng tới viễn cảnh trở nên độc lập về tài chính trong tương lai. Nếu bạn thuộc nhóm người này thì xin chúc mừng, cơ bản là bạn chỉ cần phát huy những gì đang làm và nâng cao trình độ hơn nữa.
Lời khuyên: Sẽ hoàn hảo hơn nữa khi nhà đầu tư cân bằng tài chính cho việc tận hưởng hiện tại và đầu tư dài hạn sau này.
Thói quen chi tiêu được phân chia thành 5 nhóm cụ thể như trên. Chúng ta có thể xác định mình thuộc nhóm nào qua tình hình tài chính hiện tại và các chi tiêu hằng ngày.
Bài viết tham khảo thông tin từ investopedia; Tạp chính tài chính.
Nara
You must log in to post a comment.