Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp khiến thị trường bất động sản (BĐS) phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, vì thế, các nhà đầu tư bắt đầu tìm đến những hướng đi mới. Hình thức đầu tư trên nền tảng “blockchain bất động sản” là một trong số đó.
“Blockchain Bất động sản” được xem là một xu hướng đầu tư phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam, các nhà đầu tư dễ gặp phải rủi ro do hình thức này vẫn chưa có hành lang pháp lý.
1. Khái quát về đầu tư BĐS trên nền tảng Blockchain
Xuất hiện vào đầu năm 2020, hình thức đầu tư BĐS chia nhỏ trên nền tảng công nghệ Blockchain hay đầu tư BĐS thông qua NFT (Non-Fungible Token), một dạng tiền điện tử dần được nhiều người quan tâm. Một số đơn vị đã cho ra đời ứng dụng mua bán trực tuyến, cho phép nhiều nhà đầu tư có thể cùng kết nối, mua chung một căn hộ, nền đất có giá trị hàng tỉ đồng.
Có thể kể đến như hồi đầu năm 2020, Công ty CP Tập đoàn Thế Kỷ – CenGroup công bố nền tảng công nghệ đầu tư chung BĐS Revex, với chỉ từ 1 triệu đồng, nhà đầu tư có thể tham gia mua chung một BĐS tính trên 1 m2. Nhà đầu tư sau khi mua có thể đem đi cho thuê, cùng chia lợi nhuận theo tỉ lệ. CenGroup công bố chi 1 triệu USD để đầu tư vào nền tảng này.
Ngoài ra còn có Công ty Moonka cũng chính thức đưa BĐS vào mua bán trên nền tảng Blockchain. Theo đó, Moonka giữ vai trò sàn trung gian liên kết giữa người bán và người mua. Sản phẩm là BĐS có thực, có sổ được chủ đất ký gửi và sẽ đi tìm các nhà đầu tư để mua chung một BĐS đó. Theo đại diện Moonka, các BĐS mà Moonka quản lý đều được thẩm định kỹ pháp lý, giá bán. Đây là mô hình cùng đầu tư chung BĐS, chia sẻ tài chính thay vì một người không đủ tiền để mua 1 BĐS. Nếu số lượng nhà đầu tư nắm trên 51% BĐS thống nhất thì có thể bán ra hoặc ít hơn thì sẽ bán phần đầu tư của mình cho người khác…
Hiện tại, ngoài hình thức sử dụng BĐS thứ cấp, đã hoàn thiện pháp lý để đầu tư chung thì còn có hình thức số hóa và đầu tư BĐS là dự án lớn, giá trị hàng chục đến hàng trăm triệu USD. Gần đây, một doanh nghiệp Singapore còn giới thiệu dự án của công ty triển khai tại Việt Nam giá trị đến hàng trăm triệu USD đang được các nhà đầu tư quốc tế tham gia.

2. Điều cần lưu ý khi đầu tư BĐS Blockchain
-
Đây không phải là kinh doanh BĐS
Theo Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group, có ba cơ sở pháp lý rõ ràng mà nhà đầu tư có thể tham chiếu để xác định blockchain không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản.
Một là, theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, kinh doanh BĐS được hiểu là “việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng…” để sinh lợi, còn đây là đầu tư sở hữu token, hay đồng tiền do nền tảng tự phát hành.
Hai là, hợp đồng kinh doanh BĐS phải lập thành văn bản, phải đủ yếu tố cấu thành hiệu lực đảm bảo quyền lợi ích các bên.
Và ba là, nhà đầu tư không có quyền sở hữu, chiếm hữu và sử dụng BĐS – trong khi đây là quyền cơ bản của người sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự.
Luật sư Nguyễn Thanh Nhã, văn phòng luật sư DBS cũng đưa ra cảnh báo về việc nhà đầu tư đang có thể bị nhầm lẫn trong khái niệm ở đây. Thực ra đây chỉ là công nghệ fintech về huy động vốn dưới dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh. Cụ thể hơn đó là việc chẻ nhỏ thành các phần vốn góp để huy động vốn hợp tác đầu tư linh hoạt hơn. Các ứng dụng được tung ra chỉ làm thay cho các hợp đồng hợp tác bằng giấy. Những người tham gia đầu tư nên hiểu rằng người góp vốn hoàn toàn không sở hữu, đứng tên bất động sản, cũng không sở hữu phần vốn hoặc cổ phần của công ty. Đây là một rủi ro mà các nhà đầu tư cần lường trước.

-
Chưa có hành lang pháp lý
Luật sư Lộc cho rằng hoạt động đầu tư BĐS ở Việt Nam có những nét đặc thù pháp lý về giao dịch và quyền sở hữu, việc so sánh hay học hỏi theo các quốc gia khác cần nhiều yếu tố, mà ở đó nhà nước giữ vai trò điều tiết. Tuy vậy, do đã từng xuất hiện nhiều mô hình lừa đảo đầu tư trên nền tảng công nghệ nên người mua cần tỉnh táo trước khi đầu tư. Đối với hoạt động kinh doanh mới như Blockchain BĐS, cơ quan chức năng liên quan cần có văn bản hướng dẫn và cảnh báo đến nhà đầu tư chứ không đợi đến khi xử lý rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết do còn rất mới mẻ, cách huy động vốn này cần thêm thời gian kiểm chứng và cần một vài thí điểm điển hình để đánh giá tính hiệu quả và nhu cầu của thị trường. Đặc biệt là khung pháp lý phải đảm bảo cho các giao dịch loại hình này hợp pháp và đúng luật. Tiêu chí sản phẩm phải quy định rõ ràng bao gồm pháp lý, thương hiệu chủ đầu tư, các cam kết và điều kiện đảm bảo đi kèm.
-
Chấp nhận rủi ro nếu muốn đầu tư
Khi một nhà đầu tư vào tài sản số khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, họ thực hiện bằng niềm tin. Không ít trường hợp nền tảng khi muốn chiếm dụng tiền đầu tư thường yêu cầu nhà đầu tư muốn rút tiền ra thì phải nộp khoản tiền thuế – phí rồi sau đó thông báo nhà đầu tư rửa tiền để khóa tài khoản.
Khi cho rằng bị lừa hay tranh chấp, nhà đầu tư cần ý thức rất rõ rằng việc kiểm soát rủi ro theo phương pháp “chấp nhận rủi ro”. Việc đi kiện cáo sau đó để thu hồi tiền là câu chuyện dài, rất dài và kết quả họ thu được thường là bài học kinh nghiệm.
Tổng hợp từ CafeF, Zingnews, Lao động, Người lao động.
You must log in to post a comment.