Các startup nhận vốn triệu đô trong năm 2020 tính tới thời điểm hiện tại trải dài ở nhiều lĩnh vực như vận tải, fintech, du lịch… Những lĩnh vực được các quỹ đầu tư chọn có xu hướng mở rộng thay vì đi vào các lối mòn cũ.
1. VNTrip – 7 triệu USD
Cuối tháng 10/2020, startup về du lịch vừa gọi thành công 7 triệu USD trong vòng vốn series B, mặc cho tình tình dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, danh tính các nhà đầu tư không được tiết lộ cụ thể.
Tính đến thời điểm này, 20 triệu USD là số tiền mà VNTrip đã thu về được. Các nhà đầu tư tham gia vào các vòng trước là John Wu – cựu giám đốc mảng công nghệ của Alibaba, Hendale Capital có trụ sở tại Hồng Kông, công ty đầu tư Thụy Sĩ IHAG Holding…
Công ty ra đời năm 2014, với hướng phát triển ban đầu là tập trung vào mảng du lịch nội địa trước khi cung cấp thêm các dịch vụ như du lịch nước ngoài, đặt phòng, vé trực tuyến,…
2. Riviu – 3,6 triệu USD
Riviu là startup đánh giá ẩm thực thành lập từ năm 2019. Tháng 9 vừa qua, startup này công bố nhận vốn 3,6 triệu USD từ nhà đầu tư ngoại, nhưng không tiết lộ thông tin thêm.
Trước đó, startup được biết đến với tên gọi Thánh Riviu – một hội nhóm review thức ăn hàng đầu trong giới trẻ. Dù chỉ mới thành lập tháng 2 năm nay, website và ứng dụng của Riviu đã thu hút hàng chục nghìn nội dung chất lượng, chủ yếu là review chân thật đến từ khách hàng.
3. Kim An – hàng triệu USD
Tháng 9, số vốn vòng series A không được tiết lộ cụ thể, tuy nhiên theo bà Phan Phương Thảo, CEO Kim An, khoản đầu tư từ triệu đôla Mỹ (ở mức 7 con số). Ba quỹ cùng tham gia rót vốn là Patamar Capital, Viet Capital Ventures và East Ventures. Trước đó, công ty fintech này đã nhận được một khoản đầu tư ươm tạo từ một quỹ trong nước.
Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Kim An khởi nghiệp năm 2013 với xuất phát điểm là mô hình chấm điểm tín dụng, dần trở thành một fintech chuyên cung cấp dịch vụ thuê ngoài cho các tổ chức tín dụng về tư vấn, kết nối vay vốn, công nghệ, chấm điểm tín dụng và quản lý sau vay.
Hiện Kim An hoạt động với 80 chi nhánh, chủ yếu tập trung tại các thành phố cấp một và 2. Theo bà Phan Phương Thảo, công ty đã làm việc với 10 tổ chức tín dụng và có 25.000 khoản vay đã giải ngân thành công trong hai năm qua. Thị trường mà Kim An nhắm tới 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể cùng khoảng một triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nơi được xem còn nhiều tiềm năng để khai thác.

4. Okxe Việt Nam – 5,5 triệu USD
Sau khi đại dịch lặng xuống hồi tháng 8, nền tảng mua bán xe máy cũ Okxe Việt Nam thông báo huy động được 5,5 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A từ các nhà đầu tư nước ngoài. 6 nhà đầu tư chính đến từ Hàn Quốc, bao gồm IMM Investment Corp và KB Investment.
Okxe ra đời với mục đích giúp mua bán xe máy cũ dựa trên nền tảng công nghệ AI và big data.
5. Propzy – 25 triệu USD
Dù đang ở giữa tâm bão Covid-19, Propzy công bố gọi vốn thành công 25 triệu USD trong vòng Series A vào tháng 6. Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia – quỹ chuyên đầu tư vào startup châu Á giai đoạn đầu của tập đoàn Nhật Bản SoftBank chính là hai nhà đầu tư chính trong vòng gọi vốn này. Một số nhà đầu tư khác có thể kể đến Next Billion Ventures, RHL Ventures, Breeze, FEBE Ventures, RSquare và Insignia.
Propzy là startup trong lĩnh vực proptech ra đời vào năm 2016. Theo ông founder John Le, giao dịch tài sản kể từ khi thành lập của Propzy đã lên đến 1 tỷ USD.
6. Beta Media – 8 triệu USD
Cũng trong tháng 6, Beta Media tuyên bố nhận được 8 triệu USD từ quỹ đầu tư Daiwa PI Partners của Nhật Bản. Qua đó, công ty chạm mốc định giá khủng lên đến 1.000 tỷ đồng.
Được biết vào những năm trước đó, VIG (Vietnam Investment Group) và Tập đoàn tài chính Blue HK (Hồng Kông) cũng từng góp vốn vào công ty này với nguồn vốn vào trên 2 triệu USD.
Beta Media là công ty vận hành chuỗi rạp phim giá rẻ Beta Cinemas. Hiện chuỗi rạp phim đã phát triển với 12 cụm rạp trên toàn quốc.
>>Xem tiếp: 14 startup Việt nhận đầu tư triệu đô trong năm 2020 (phần 2)
Bài viết có tham khảo thông tin từ VNExpress và VietnamBiz
Nhật Minh
You must log in to post a comment.