Phil Nadel (nhà sáng lập quỹ Forefront Venture Partners) đã đưa ra 11 lý do khiến startup gọi vốn thất bại. Đây được xem là câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao nhà đầu tư không rót vốn vào startup?”.
1. Thiếu sự minh bạch.
– Lòng tin là yếu tố quan trọng đằng sau những quyết định đầu tư mạo hiểm. Thế nên việc tạo được lòng tin ở nhà đầu tư đối với startup là việc nhà sáng lập cần làm.
– Phil Nadel cho rằng việc nhà sáng lập không thẳng thắn khi trao đổi với nhà đầu tư ảnh hưởng rất lớn đến quyết định rót vốn. Theo ông, quyết định đầu tư phụ thuộc khá lớn vào mối quan hệ giữa hai bên. Thế nên việc nhà sáng lập vòng vo, mập mờ sẽ khiến mối quan hệ này tiến triển không tốt.
2. Không có lợi thế cạnh tranh.
– Các ý tưởng khởi nghiệp để có thể được hiện thực hoá và tồn tại lâu bền thì cần tạo được lợi thế cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh có thể được hiểu là yếu tố chỉ có startup của bạn có thể tạo ra. Các đối thủ cạnh tranh không thể sao chép điều này, hoặc nếu có thể thì sẽ tốn thời gian khá lâu và nhiều công sức.
– Lợi thế cạnh tranh có thể được xem là yếu tố cốt lõi cho sự thành công bền vững của startup. Lợi thế này có thể là về công nghệ; quy trình; kiến thức; mối quan hệ;…
3. Không xác định được kênh marketing có tiềm năng phát triển.
– Khi rót vốn, nhà đầu tư luôn muốn nguồn vốn được dùng hiệu quả cho việc thúc đẩy doanh thu tăng trưởng. Startup cần xác định các kênh marketing mà họ sẽ sử dụng để vừa mở rộng kinh doanh, vừa đạt hiệu quả về chi phí. Nếu không xác định được thì sau đó startup phải dùng khá nhiều vốn để thử nghiệm và tìm ra kênh phù hợp. Đây là điều mà nhà đầu tư không hề mong muốn.
– Nếu startup hiểu được điều này và chủ động thử nghiệm trước vấn đề này trước khi gọi vốn thì sẽ gây được ấn tượng tốt với nhà đầu tư. Phil Nadel chia sẻ rằng nhà đầu tư sẵn lòng nếu startup dùng tiền của họ để triển khai, mở rộng dự án trên các kênh marketing hiệu quả mà startup đã thử nghiệm.
4. Không xác định những chỉ số đo lường hiệu quả (KPI).
– Từ kinh nghiệm của bản thân, Phil Nadel cho rằng kiến thức về KPI tỷ lệ thuận với khả năng thành công của startup. Khi gọi vốn, nhà sáng lập cần nắm được đâu là những chỉ số đo lường quan trọng đối với công ty mình. Tiếp sau đó, họ cần cho nhà đầu tư thấy được cách đo lường và tính toán các chỉ số đó. Và cuối cùng, nhà sáng lập cần hiểu rõ những yếu tố tác động đến KPI để từ đó có cách quản trị phù hợp.
5. Đường băng (runway) ngắn.
– Đường băng (runway) là thuật ngữ chỉ khoảng thời gian tính đến khi startup hết tiền hoạt động. Phil Nadel chia sẻ nhà đầu tư muốn startup mình rót vốn phải có đường băng ít nhất là 12 tháng (kể từ sau khi đóng vòng gọi vốn).
– Để tính đường băng sau vòng gọi vốn, nhà sáng lập cần:
+ Nắm được mức độ chi tiêu hiện tại.
+ Đưa ra những dự tính chi tiết về sử dụng nguồn vốn huy động được.
+ Chi tiêu mỗi tháng sau khi gọi vốn.

– Những thông tin trên được đưa ra dựa trên 3 giả định:
+ Không có doanh thu.
+ Doanh thu “dậm chân tại chỗ”, không tăng trưởng.
+ Doanh thu có mức tăng trưởng hợp lý, được tính toán dựa trên xu hướng tăng trưởng từ trước đến nay.
6. Thị trường mục tiêu quá nhỏ.
– Có startup đưa ra những giải pháp có tính sáng tạo, độc đáo nhưng lại chỉ đáp ứng nhu cầu của một nhóm khách hàng nhỏ. Phil Nadel cho rằng startup nên cân nhắc lựa chọn thị trường mục tiêu lớn hơn. Đây là yếu tố quyết định đến tiềm năng tăng trưởng doanh thu. Startup có tiềm năng tăng trưởng doanh thu đủ lớn thì mới có khả năng được mua lại, sáp nhập hay IPO. Đây chính là một trong những yếu tố thuyết phục nhà đầu tư gật đầu đồng ý đầu tư.
7. Chưa có doanh thu ban đầu.
– Việc startup chuyển từ giai đoạn chưa có doanh thu sang giai đoạn bắt đầu hình thành sản phẩm và bán cho khách hàng là một quá trình khá dài. Tuy nhiên, khi quá trình này được hình thành, không những mức định giá của startup tăng lên mà rủi ro còn giảm xuống sâu hơn. Thế nên Phil Nadel cho rằng nhà đầu tư thích rót vốn vào các startup đã bước đầu bán có doanh thu và cho thấy khả năng về độ phù hợp với thị trường (product-market fix).
8. Không có tầm nhìn hoặc tầm nhìn không rõ ràng.
– Tầm nhìn rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với startup thì tầm nhìn lại càng quan trọng hơn nữa. Phil Nadel chia sẻ rằng anh muốn đầu tư vào startup khi nhà sáng lập có được tầm nhìn rõ ràng về cách thức công ty sẽ phát triển lên quy mô lớn hơn 100 lần so với hiện tại.
– Tầm nhìn tuy là thứ ở tương lai, nhưng nếu không có nó thì startup sẽ như tàu đi trên biển mà không có la bàn, người thuỷ thủ lái tàu thì không biết rõ phương hướng. Thế nên khó có nhà đầu tư nào rót vốn vào startup mà người sáng lập của nó lại không biết rõ tầm nhìn công ty mình.
9. Không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về đối thủ cạnh tranh.
– Việc hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh là rất quan trọng khi startup bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên nhiều công ty lại quên đi vấn đề này khi khởi nghiệp.
– Khách hàng chắc chắn sẽ có sự so sánh khi có 2 công ty cùng cung cấp sản phẩm họ cần. Thế nên, startup cần hiểu rõ những định hướng của đối thủ, so sánh với đối thủ để tìm ra vị thế tương đối giữa hai bên. Từ đó startup có thể tìm ra được vị thế nổi bật của mình trên thị trường, tạo sự khác biệt so với đối thủ.
10. Không có đội ngũ sáng lập với kinh nghiệm chuyên môn đa dạng.
– Một startup có thể vận hành tốt cần sự vận hành nhịp nhàng trong rất nhiều khâu, bộ phận. Điều này đòi hỏi các thành viên trong đội ngũ sáng lập cần có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: lập trình; phát triển sản phẩm, sales, marketing,…
– Một đội ngũ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực sẽ giúp startup vừa có thể tạo ra sản phẩm vừa có khả năng cao bán được sản phẩm đó. Có ý kiến cho rằng startup có thể tuyển thêm nhân sự. Điều này là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên việc tuyển thêm nhân sự sẽ hiệu quả hơn nếu trong đội ngũ sáng lập có thành viên hiểu biết về mảng ấy.
11. Người sáng lập không toàn tâm toàn ý với startup.
– Điều cuối cùng là yếu tố phụ thuộc vào nhà sáng lập. Phil Nadel cho rằng sự toàn tâm toàn ý của nhà sáng lập khi gọi vốn tác động rất lớn đến nhà đầu tư. Ít nhất, họ phải làm việc toàn thời gian cho startup. Làm sao nhà đầu tư có thể tin tưởng rót vốn nếu người sáng lập chưa hết mình với startup của chính mình?
Trên đây là 11 lý do khiến startup gọi vốn thất bại. Chắc chắn đây không phải là 11 lý do duy nhất, còn rất nhiều lý do khác mà những nhà sáng lập nên tìm hiểu để có thể nâng cao khả năng thành công của quá trình gọi vốn.
Bài viết tham khảo thông tin từ Vietnambiz; techcrunch.com.
Huỳnh Duyên
You must log in to post a comment.