Pháp lý bất động sản luôn là một trong những vấn đề cần được quan tâm nhiều nhất trong loại hình đầu tư này. Điều này lại càng quan trọng hơn đối với nhà đầu tư mới. Vì nếu không rõ về pháp lý, nhà đầu tư mới có thể vướng vào những “bẫy đầu tư” và mất tiền oan. Bài viết sẽ giới thiệu về 10 lưu ý mà nhà đầu tư mới có thể thực hiện để tránh gặp những rắc rối về pháp lý bất động sản.
1. Trao đổi trước với chuyên gia.
– Những người đầu tư bất động sản thành công luôn đúc kết cho riêng mình những kinh nghiệm, triết lý đầu tư. Tuy nhiên, để có được những điều này, họ đã phải trải qua rất nhiều lần thất bại; bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu.
– Một nhà đầu tư mới “chân ướt chân ráo” bước vào ngành bất động sản nếu học hỏi được những điều này từ ban đầu thì sẽ tiết kiệm khá nhiều thời gian. Thế nên việc hỏi ý kiến của các chuyên gia là rất cần thiết. Các chuyên gia ở đây có thể là: nhà đầu tư đi trước; người nghiên cứu thị trường bất động sản; luật sư;…
2. Theo dõi sự thay đổi trong chính sách quản lý của nhà nước.
– Ở Việt Nam, những vấn đề liên quan đến sử dụng hay mua/bán bất động sản được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Thế nên những sự thay đổi từ chính sách ảnh hưởng khá lớn đến các hoạt động liên quan đến bất động sản. Nếu nhà đầu tư giao dịch nhưng không cập nhật sự thay đổi từ chính sách thì rất dễ chịu thiệt hại khi ký kết hợp đồng.
– Biến động của các chính sách quản lý trong phân khúc đầu tư của nhà đầu tư là những thông tin rất quan trọng. Nhà đầu tư cập nhật những biến động của phân khúc qua nhiều năm, nghiên cứu sự biến động trong quá khứ và hiện tại để dự báo cho tương lai.
3. Tìm hiểu và kiểm tra chéo thông tin quy hoạch.
– Bạn cần có ít nhất 2 nguồn thông tin để tiến hành kiểm tra chéo thông tin nhà đất, thông tin về quy hoạch. Từ việc lấy thông tin từ nhiều nguồn, nhà đầu tư có thể hạn chế thấp nhất việc bị “dắt mũi” trong quá trình đầu tư. Từ đó tránh việc gặp phải những dự án mập mờ về pháp lý.
– Một vài nguồn thông tin hay được sử dụng như:
+ Nguồn thông tin chính thống từ chủ đầu tư dự án; nhà môi giới; các chuyên gia trong lĩnh vực;…
+ Thông tin từ các website bán bất động sản; website đối chiếu đo lường; thông tin từ báo chí.
+ Tìm kiếm nguồn thông tin từ các cơ quan phụ trách quy hoạch hay cơ quan phụ trách cấp chứng nhận cho khu bất động sản đó.

4. Nên giao dịch với bên bán có toàn quyền định đoạt.
– Khi giao dịch, nhà đầu tư cần chắc chắn rằng mình giao dịch với người có toàn quyền quyết định đối với bất động sản đó. Việc này nhằm giúp bạn hạn chế những vấn đề về pháp lý sau này. Vì hợp đồng mua/bán bất động sản chỉ hợp pháp khi được ký kết giữa người mua với người có quyền chuyển nhượng. Tránh trường hợp bạn mua ký hợp đồng mua nhà với người chồng nhưng người vợ lại không đồng ý trong khi ngôi nhà lại do cả hai đứng tên.
5. Thỏa thuận thẩm định và bản cam kết với bên bán.
– Hiện nay, hầu hết các sàn giao dịch, nhà phát triển, nhà môi giới hay tư vấn ở các sàn luôn có những mẫu hợp đồng định sẵn. Đôi khi họ lấy cớ tất cả khách hàng ai cũng phải sử dụng mẫu này, khách hàng chỉ có thể chọn ký hoặc không ký.
– Tuy nhiên, hợp đồng mua bán thực chất là hợp đồng dân sự song phương. Trong đó, các bên đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Thế nên, người mua có quyền đàm phán, thay đổi hợp đồng cho phù hợp với yêu cầu của mình (thêm, bớt các điều khoản). Đây là điều mà các nhà đầu tư mới nên biết để hiểu về quyền lợi của mình. Khi giao dịch, cần thẩm định kỹ điều khoản và tìm cách có được bản cam kết rõ ràng từ bên bán.
6. Tìm hiểu kỹ về thủ tục pháp lý trước và trong khi bàn giao dự án.
– Khi mua bất động sản, nhà đầu tư nên có thói quen liệt kể ra các thông tin, giấy tờ pháp lý nào cần thiết trong quá trình trước và trong khi bàn giao dự án. Đây là cơ sở để nhà đầu tư bắt tay vào tra cứu kỹ hơn về các pháp lý cần thiết.
– Nhà đầu tư có thể tra cứu trên Internet hoặc mang đến cơ quan nhà nước để kiểm tra thông tin. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thông tin từ chính người mua trước đây. Hầu hết nhà đầu tư sẽ mời chuyên gia hay luật sư tìm hiểu trước.
7. Trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán nên có tư vấn luật.
– Hợp đồng mua bán bất động sản luôn có nhiều điều khoản khá phức tạp. Nhà đầu tư cần hiểu rõ những điều khoản trong hợp đồng trước khi đặt bút ký. Tuy nhiên việc này khá khó khăn với các nhà đầu tư mới. Vậy nên, bạn nên tìm đến các chuyên gia bất động sản, luật sư để hỏi rõ về các điều khoản trong hợp đồng, tránh trường hợp xảy ra tranh chấp hay kiện tụng sau này.
8. Bàn bạc chi tiết về giá và cách thức thanh toán.
– Việc này phải được bàn bạc càng chi tiết càng tốt. Những yếu tố như: phí môi giới, phí luật sư, thời gian thanh toán theo tiến độ,… cần được đưa vào điều khoản rõ ràng.
– Nhà đầu tư có thể đàm phán với bên bán để có được chính sách thanh toán phù hợp nhất. Nếu không hiểu về quá trình đàm phán nhà đầu tư có thể thuê bên thứ 3 để nhờ tư vấn (như: chuyên gia, luật sư,…).
9. Tận dụng công cụ đòn bẩy tài chính.
– Nếu tận dụng đòn bẩy tài chính một cách hợp lý, nhà đầu tư có thể chia khoản vay khổng lồ thành các khoản vay nhỏ hơn, đồng thời kéo dài thời gian thanh toán.
– Bên cạnh đó nhà đầu tư cũng giảm được rủi ro thanh toán khi có thời gian để sắp xếp tài chính. Nhà đầu tư có thể suy nghĩ đến việc đầu tư sinh lợi để xoay vòng vốn, gia tăng lợi nhuận trong dài hạn.
10. Giải quyết xung đột bằng đàm phán.
– Đàm phán và thương lượng là hai kỹ năng quan trọng trong giải quyết vấn đề. Việc biết được cách thức đàm phán – thương lượng, các bước tiến hành như thế nào khi không may gặp tranh chấp với người bán,… là rất quan trọng đối với nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư mới chủ động và đảm bảo quyền lợi của mình.
Bài viết tham khảo thông tin từ Báo Tuổi trẻ, Propzy.vn
An Bình.
You must log in to post a comment.